03:11 20/03/2015

Các cụm thi THPT quốc gia: Đảm bảo đủ năng lực tổ chức

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách 38 cụm thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách 38 cụm thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì. Theo danh sách cụm thi này, các thí sinh trên cả nước được tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển, lưu trú để tham dự kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

* Sẵn sàng kế hoạch tổ chức cụm thi


Các thí sinh xem số báo danh, phòng thi thi tại Hội đồng thi trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 - 2013. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc xây dựng 38 cụm thi liên tỉnh đã được chuẩn bị rất kỹ càng và dựa trên ba tiêu chí: Cụm thi phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh đến dự thi; cụm thi có trường đại học đủ năng lực tham gia tổ chức thi, bao gồm coi thi, chấm thi, báo cáo kết quả thi; số lượng thí sinh ở khu vực thi vừa phải, không gây quá tải cho cơ sở nơi tiếp nhận.

Theo danh sách cụm thi, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 8 cụm thi, tại Hải Phòng có 2 cụm thi, còn lại các tỉnh, thành phố: Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, An Giang và Bạc Liêu mỗi địa phương sẽ có 1 cụm thi. Đây là các cụm thi do trường đại học chủ trì, dành cho những thí sinh dự thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa dùng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường đại học chủ trì một cụm thi tại Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng, cơ sở vật chất tốt, Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng những trường đại học khác được Bộ giao chủ trì cụm thi đều đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Thầy Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, sau khi có thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng thí sinh dự thi, số môn thi, nhà trường sẽ sắp xếp điểm thi, phòng thi, số báo danh và bố trí cán bộ coi thi hợp lý.

Để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều việc cần triển khai như: làm việc với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông và lực lượng công an để tổ chức thi; bố trí chỗ ở, ký túc xá; bố trí lực lượng sinh viên tình nguyện để hỗ trợ cho thí sinh trong kỳ thi. Khó khăn bao giờ cũng có nhưng Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đảm nhận vai trò này với trách nhiệm cao nhất.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao tổ chức thi cho khoảng 35.000 thí sinh. Theo thầy Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường đã lên phương án tổ chức cụm thi, trong đó, đội ngũ cán bộ coi thi có thể tăng gấp 3 các năm trước. Để bổ sung cho đội ngũ này, trường sẽ điều động đội ngũ học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm thứ ba; đồng thời tăng cán bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã liên hệ với một số trường lân cận để đảm bảo chỗ ở cho thí sinh.

Tại cụm thi Thái Nguyên, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cụm thi, trường Đại học Thái nguyên đã tổ chức khảo sát số lượng thí sinh đến từ 5 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thái Nguyên, dự kiến khoảng gần 60.000 thí sinh dự thi. Con số này cũng tương đương với số lượng mà trường đã từng tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học theo hình thức “3 chung” như những năm trước.

Thầy Đặng Kim Vui, hiệu trưởng trường Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Trước khi lựa chọn cụm thi tại Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn đến khảo sát tại trường. Cơ sở vật chất của Đại học Thái Nguyên với 7 trường thành viên, 1 trường cao đẳng và 2 khoa trực thuộc trường, trong những năm qua, trường cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, có những năm thí sinh dự thi lên tới 70.000 - 80.000 người. Bên cạnh đó, số lượng các trường cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông đủ tiêu chuẩn để đưa vào trong cụm thi ở Thái Nguyên tương đối lớn.

* Đảm bảo cơ chế tài chính hợp lý

Kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ không còn tình trạng thí sinh ảo, gây lãng phí phòng thi, nhân lực phục vụ kỳ thi. Tuy nhiên, các trường đại học chủ trì còn nhiều băn khoăn, nhất là về vấn đề kinh phí để tổ chức cụm thi.

Thầy Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về cơ chế trao đổi thông tin để trường THPT nâng cao trách nhiệm của mình trong việc kiểm duyệt hồ sơ, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, tránh sai sót; thông tin phải chính xác ngay từ đầu. Thứ hai, đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ cần sớm phối hợp với Bộ Tài chính để ra một mức lệ phí thi hợp lý cũng như có những hỗ trợ thêm cho các trường tổ chức thi.

Thầy Đặng Kim Vui, hiệu trưởng trường Đại học Thái Nguyên cũng đề xuất: Với một kỳ thi chung như năm nay, cần phải cân nhắc cơ chế tài chính hợp lý cho các trường chủ trì cụm thi. Ví dụ như khung định mức cho cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi... Nếu định mức quá thấp sẽ gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện.

Dù khẳng định sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phó, nhưng nhiều trường kiến nghị Bộ cần có văn bản đề nghị các cơ quan hữu quan ở địa phương cùng vào cuộc để có những hỗ trợ tốt nhất cho kỳ thi.


Việt Hà (TTXVN)