10:08 06/10/2011

Các công trình giao thông bị đình hoãn, chậm tiến độ: Nhiều hệ lụy phát sinh

Nhiều công trình giao thông hiện nay bị đình hoãn, tạm dừng, giãn tiến độ và không biết thời gian nào mới được khởi động lại do kinh tế khó khăn phải dồn vốn cho các công trình trọng điểm không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công...

Nhiều công trình giao thông hiện nay bị đình hoãn, tạm dừng, giãn tiến độ và không biết thời gian nào mới được khởi động lại do kinh tế khó khăn phải dồn vốn cho các công trình trọng điểm không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với công trình tại địa phương và của cả nước, mà còn gây ra những hư hỏng khó khắc phục, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), phát sinh chi phí không mong muốn... Thực tế này đang làm đau đầu các nhà thầu, chủ đầu tư và các nhà quản lý, cần sớm có cách khắc phục để tránh thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân.

Khó khăn chờ vốn

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án Quốc lộ (QL) 27 dài 66 km là tuyến đường huyết mạch nối liền hai tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận hiện nay đang bị tạm dừng thi công chờ vốn, nên rơi vào tình trạng ngổn ngang. Đến thời điểm này, toàn tuyến đã hoàn thành được khoảng 40-50% khối lượng công trình; 3 trong tổng số 11 gói thầu là gói số 1, 2, 8 đã thực hiện đạt 80 - 95% giá trị công trình. Tuy nhiên, trong suốt thời gian bị tạm đình hoãn, đoạn tuyến này đã xuất hiện các điểm sình lún, xói “hàm ếch”, mặt đường cũ chưa thi công bị hư hỏng, cống bị đất sụp, tắc... Đây là dự án vừa thi công, vừa khai thác, có cấu trúc địa chất phức tạp, hay bị sạt lở... nên vấn đề bảo đảm ATGT gặp rất nhiều khó khăn. Những hệ lụy này kéo theo tình trạng trong lúc chờ vốn tiếp tục thi công thì cũng cần vốn để sửa chữa, bảo dưỡng, khắc phục những công trình đã và đang bị hỏng mới có thể đưa vào sử dụng.

Dự án mở rộng, nâng cấp QL1A đoạn Dốc Xây – TP Thanh Hóa (dài 36,4 km) có tổng vốn đầu tư 2.170 tỷ đồng. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, bảo đảm 4 làn xe cơ giới. Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2013. Trong ảnh: Thi công tuyến đường đoạn qua địa phận huyện Bỉm Sơn. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Dự án cải tạo, nâng cấp QL 25 đoạn nối Phú Yên - Gia Lai cũng trong danh mục các dự án tạm hoãn thi công. Theo ông Phạm Ngọc Biên, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (PMU6-Bộ GTVT), đoạn tuyến này hiện mới thi công đạt khoảng 15% khối lượng công trình. Việc tạm dừng tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của nhà thầu khi phải khắc phục các hạng mục đã thi công bị hư hỏng; khi máy móc, thiết bị và nhân lực nằm chờ tại công trường hoặc phải bổ sung chi phí vận chuyển di dời và lo nhất là công tác bảo đảm ATGT khi các nhà thầu rút khỏi công trình. Dự án QL 3B đoạn Bắc Kạn - Lạng Sơn hiện cũng có đến 5 gói thầu số 1, 2, 6, 8, 9 thuộc diện tạm dừng thi công. Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa phải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sớm bố trí vốn để phục vụ công tác bảo đảm giao thông cho tuyến đường này. Đối với các gói thầu chưa nhận mặt bằng và thi công thì đề nghị sử dụng vốn sửa chữa đường bộ để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên...

Có tổng mức đầu tư tới hơn 2.350 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm 2011 tới nay, dự án cải tạo, nâng cấp QL 6, đoạn Tuần Giáo - Lai Châu (nằm trong nhóm 75 dự án hạ tầng giao thông bị giãn tiến độ) mới được Bộ GTVT cấp 75 tỷ đồng cho hợp phần xây lắp. Với số vốn ít ỏi này, dự án không đủ để trả nợ khối lượng thi công cũ cho các nhà thầu. Vấn đề phải đối mặt hiện nay là các nhà thầu của dự án đều đã tiến hành động thổ, tập kết đủ máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, do hầu hết gói thầu không được cấp đủ vốn hoặc có quyết định giãn tiến độ, đã dẫn đến tình trạng một số nhà thầu rút dần nhân công và máy móc ra khỏi công trường, khiến công tác đảm bảo ATGT cho tuyến đường độc đạo lên Lai Châu này vốn đang bị xới tung lại “giậm chân tại chỗ” và trở thành bài toán hóc búa cho nhà đầu tư.

Chưa hết, theo báo cáo của các địa phương gửi tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều công trình giao thông liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội của các địa phương có tính chất đặc biệt như: Công trình vượt lũ, qua khu đông dân cư, xử lý nền đất yếu, tuyến huyết mạch về giao thông hiện đã thực hiện được khối lượng từ 80 - 90% giá trị hợp đồng hay các gói thầu dự án cần phải hoàn thành sớm, nhưng do không thuộc diện ưu tiên vốn hoặc được ưu tiên vốn, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu giải ngân hiện đã phải tạm dừng, đang là những công trình “khắc khoải” chờ được sớm thi công nhất...

Khó lường hết hậu quả

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc tạm dừng, giãn tiến độ các công trình giao thông. Trong đó, vấn đề đáng quan ngại nhất là việc phát sinh vốn vượt dự toán ban đầu so với kế hoạch thiết kế, thi công. Những chi phí phát sinh gồm kinh phí đảm bảo ATGT; giải thể vật tư, máy móc, nhân lực và huy động lại khi dự án bố trí được vốn triển khai tiếp; quản lý mặt bằng, công trường; đo đạc xác định khối lượng và thực hiện các thủ tục theo quy định sau thời gian dừng, giãn tiến độ; bổ sung để khôi phục các hạng mục dở dang phải làm lại; những khối lượng hư hỏng bị hao tổn do ảnh hưởng của thời tiết, phương tiện lưu thông gây ra trong thời gian đình hoãn...

Thực tế hiện nay, nhiều gói thầu của các dự án đã thực hiện công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc địa phương đã phê duyệt phương án đền bù chi tiết, nhưng không có, hoặc không đủ vốn để chi trả bồi thường, dẫn đến tình trạng bàn giao mặt bằng không đồng bộ, bất cập nảy sinh. Các gói thầu tạm dừng, giãn tiến độ, nhà thầu phải thương lượng lại để điều chỉnh một số điều khoản trong hợp đồng như: thời điểm khởi động lại, tiến độ hoàn thành, kinh phí phát sinh, điều kiện điều chỉnh giá... các yếu tố này dễ khiến các nhà thầu bỏ công trình, từ chối không tiếp tục tham gia sau thời gian tạm dừng, giãn tiến độ. Bên cạnh đó, một vấn đề quan ngại khác là công tác tổ chức đảm bảo giao thông, an toàn công trình trong thời gian đình hoãn, tạm dừng, giãn tiến độ các công trình hiện nay cũng ít được quan tâm. Đối với các công trình dự án nằm trên đường đang khai thác, việc tạm dừng dự án khi công trình thi công dở dang sẽ gây mất ATGT cho người đi đường; công tác bảo đảm ATGT còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi nhà thầu rút khỏi công trường, bởi rất khó bố trí nguồn vốn bổ sung cho vấn đề phát sinh này.

Theo đề xuất của các ban quản lý dự án công trình giao thông, Bộ GTVT cần có các hướng dẫn cụ thể về quyết định danh mục các dự án, tiểu dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ làm cơ sở để các chủ đầu tư triển khai các thủ tục đình hoãn, giãn tiến độ các dự án, gói thầu; sớm bổ sung vốn để phục vụ công tác bảo đảm giao thông các dự án trong thời gian tạm dừng, giãn tiến độ; xác định thời gian dự kiến đình hoãn, giãn tiến độ để xác định kinh phí phát sinh, điều chỉnh giá gói thầu, điều chỉnh tổng mức đầu tư; đồng thời thông báo danh mục các dự án tạm dừng, giãn tiến độ đến các địa phương để có biện pháp quản lý, bảo vệ công trường, mặt bằng đã được giải phóng.

Chưa có danh mục dự án tạm dừng

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Việt cho biết: Hiện vẫn chưa có công bố danh mục dự án đình hoãn, dẫn tới chủ đầu tư không có đủ căn cứ pháp lý để thương lượng hợp đồng với nhà thầu, chốt được thời điểm dừng thi công cũng như xem xét các chế độ chính sách phát sinh. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách để bù đắp phát sinh do đình hoãn, giãn tiến độ, hoàn thiện tạm thời để bảo đảm ATGT là những thủ tục pháp lý mà các chủ đầu tư đang chờ hướng dẫn. Đây cũng là lý do mà đến thời điểm này chưa có bất kỳ quyết định tạm dừng thi công hay một văn bản thỏa thuận nào giữa nhà thầu và chủ đầu tư cho việc tạm dừng dự án được ký. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung bàn thảo để sớm thống nhất ban hành văn bản xử lý vấn đề này.

Cần vốn hoàn thiện để tránh lãng phí

Ông Lâm Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (PMU2-Bộ GTVT) cho biết: Hiện nay, đối với các công trình thuộc diện cấp bách hoặc gần hoàn thiện mong Chính phủ xem xét sớm bố trí vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí và phát sinh chi phí không cần thiết. Thực tế cho thấy, công trình càng gần hoàn thiện thì chi phí phát sinh cho công tác bảo đảm ATGT, bảo vệ công trình khá lớn và nguy cơ mất ATGT cũng gia tăng. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần có sự chia sẻ với Bộ GTVT và các chủ đầu tư trong việc phối hợp bảo vệ công trình, hành lang ATGT, chống tái lấn chiếm phạm vi đã được đền bù, GPMB, giảm thiểu những phát sinh, hệ lụy cho Nhà nước, dự án.

Nhà thầu lao đao

Ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết: Cienco 1 là Tổng công ty Xây lắp thuộc loại lớn nhất và triển khai nhiều công trình nhất của Bộ GTVT. Những năm trước, Cienco 1 gần như không phải lo thiếu việc, tuy nhiên, thời điểm này, hầu hết các dự án mà đơn vị đang tham gia đều bị tác động từ chính sách đình hoãn, giãn tiến độ các dự án. Trong số đó, rất nhiều dự án bị dừng hẳn, chủ đầu tư cũng không ấn định cụ thể thời gian nào tái khởi động. Hàng loạt dự án bị đình hoãn khiến cho Cienco 1 lâm vào cảnh hết sức khốn khó bởi giá trị dang dở từ các dự án còn lại rất lớn nhưng không được thanh toán. Nợ cũ không được thanh toán, dự án mới thì không có vốn để tiếp tục triển khai, trong khi đó người lao động hết việc làm, máy móc, thiết bị phải “đắp chiếu” hàng loạt, hoặc phải di dời đi nơi khác, khiến cho các nhà thầu lao đao. Nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả khó có thể lường trước được.

Khó giải quyết hậu quả

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết: Do hầu hết các dự án bị đình hoãn đều vừa thi công, vừa khai thác, nên nếu giãn tiến độ, hoặc phải tạm dừng thi công, sẽ phát sinh hư hỏng công trình, khó đảm bảo giao thông, lãng phí công tác huy động nhân lực thiết bị; công việc và đời sống cán bộ, công nhân các doanh nghiệp thi công bị ảnh hưởng; mặt bằng thi công bị lấn chiếm khó giải quyết hậu quả...

Nguyễn Tiến thực hiện