09:00 21/09/2011

Cà phê sách - nét đẹp văn hóa Hà Thành

Một không gian khép kín, tĩnh lặng, và cà phê chỉ là gia vị cho khách hàng thưởng thức thú vui đọc sách... Những năm gần đây, những quán cà phê sách ở Hà Nội lần lượt mọc lên và dần trở thành một nét văn hóa mới chốn Hà thành.

Một không gian khép kín, tĩnh lặng, và cà phê chỉ là gia vị cho khách hàng thưởng thức thú vui đọc sách... Những năm gần đây, những quán cà phê sách ở Hà Nội lần lượt mọc lên và dần trở thành một nét văn hóa mới chốn Hà thành.

Một nét văn hóa đẹp

Nằm trong một ngõ sâu của phố Thái Hà (Hà Nội) từ lâu, Lolly Books Café đã là điểm đến quen thuộc của những người yêu sách Hà thành. Ngay khi ngồi vào bàn, khách hàng sẽ có 2 thực đơn để lựa chọn: Thực đơn đồ uống và thực đơn sách. Những người chạy bàn ở đây cũng được tuyển chọn và trang bị kiến thức để sẵn sàng tư vấn giúp khách lựa chọn những cuốn sách phù hợp. Chọn một tách cà phê hoặc một ấm trà mạn, một vài cuốn sách hay, khách có thể nhẩn nha đọc sách nhiều tiếng đồng hồ.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến các quán cà phê sách.


“Mỗi lúc rảnh là mình lại tìm đến cà phê sách. Nó vừa giúp mình xả stress sau những giờ học, kỳ thi vất vả, vừa giúp mình có thêm những kiến thức mới. Đặc biệt, quán có nhiều sách ngoại văn dễ đọc mà thú vị. ”- Vũ Xuân- Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Lolly Books Café hiện có khoảng 800 sách quốc ngữ và khoảng 800 sách ngoại văn gồm tiếng Anh, Pháp, Nhật, và một số lượng lớn báo, tạp chí. Đặc biệt, ở đây có những cuốn sách ngoại văn thuộc dạng quý hiếm được chủ quán cất công tìm mua ở nước ngoài và bạn đọc khắp nơi gửi đến. Ngoài “đặc sản” là sách, quán còn có phòng chiếu nhỏ thường xuyên chiếu những bộ phim kinh điển và phim chuyển thể văn học và những câu lạc bộ ngoại ngữ cho giới trẻ sinh hoạt.

Đó chỉ là một trong hàng chục quán cà phê sách đang hoạt động ở thủ đô, tạo thành một trào lưu, một thú vui tích cực cho giới trẻ Hà thành. Mỗi quán cà phê dạng này có một đặc trưng riêng với những sức hấp dẫn riêng như: Quán AIM ở Linh Lang với những cuốn sách nguyên bản tiếng Hàn Quốc; Quán Itello ở Văn Miếu lại nổi tiếng bởi khối lượng sách học thuật lớn; hay Tùng Book ở Thái Thịnh thì lôi cuốn khách bởi ngoài sách, khách hàng có thể tham gia chơi cờ tướng, cờ vua và một số trò chơi trí tuệ; còn cà phê sách của ông Thành ở đường Âu Cơ lại có sức hút bởi 36.000 đầu sách chủ yếu về văn học, lịch sử, văn hóa dân gian…

Theo quan sát, đối tượng khách hàng thường xuyên của những quán cà phê sách chủ yếu là học sinh, sinh viên. Trong đó, sách văn học và ngoại văn được độc giả tìm đọc nhiều nhất.

“Giữ lửa” văn hóa đọc

Theo thống kê, ở nước ta hiện nay số người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số lượng thỉnh thoảng đọc là 44%, số hoàn toàn không đọc là 6,2% - một con số khá cao so với thế giới. Những con số thống kê khác cũng cho thấy hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách là rất thấp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do xã hội phát triển, nhịp sống hiện đại với việc đồ ăn nhanh, uống cà phê lon… đã khiến việc ngồi thư viện hàng ngày để đọc sách không còn thích hợp, chính vì vậy, một chỗ đọc sách trong khoảng thời không dài đã trở thành nhu cầu của người dân, và cà phê sách đã đáp ứng nhu cầu này. Ở đây, người ta có thể tranh thủ những phút nghỉ ngơi sau giờ làm, giờ học để vừa thư giãn, giải trí lại vừa được đọc những cuốn sách hữu ích để mở mang kiến thức. Hơn thế, cà phê sách khiến cho việc đọc sách cạnh tranh với những kênh giải trí khác.

“Trước đây, mình vốn không thích đọc sách lắm, chỉ hay xem phim, nghe nhạc và thích các hoạt động vui chơi ngoài trời. Một lần tình cờ đến Cà phê sách Itello, ngồi trong không gian tĩnh lặng, thanh thản của cà phê và sách, mình cảm thấy rất thú vị. Từ đó, thói quen giải trí của mình cũng thay đổi dần, mình ngày càng thích ngồi đọc sách hơn”- Thùy Anh, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội tâm sự.

Tuy xuất hiện chưa lâu và phát triển một cách tự phát, nhưng thú vui đến những quán cà phê để đọc sách đã và đang trở thành một trào lưu, một nét văn hóa đẹp của Thủ đô. Đây là một tín hiệu lạc quan khi mà có rất nhiều người đang lo lắng và cảnh báo về tình trạng người trẻ tuổi đang quay lưng với văn hóa đọc.

Bài và ảnh: Phạm Mỹ