03:17 26/03/2011

Cà phê “ ngoài luồng ”... buồn nhiều hơn vui

Hơn 140 nghìn ha cà phê, trên 230 nghìn tấn cà phê nhân thu hoạch được trong niên vụ 2010 – 2011 là những con số “ vàng ” để Lâm Đồng khẳng định vị trí thứ 2 ở Việt Nam trong sản xuất cà phê.

Hơn 140 nghìn ha cà phê, trên 230 nghìn tấn cà phê nhân thu hoạch được trong niên vụ 2010 – 2011 là những con số “ vàng ” để Lâm Đồng khẳng định vị trí thứ 2 ở Việt Nam trong sản xuất cà phê. Đó là điều ai cũng biết. Tuy nhiên, điều ít người biết là ở Lâm Đồng còn những con số khác liên quan đến “ cà phê ngoài luồng ” và hệ lụy của nó.

UBND tỉnh Lâm Đồng và các Sở, ngành cấp tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo sản xuất nông nghiệp của tỉnh đi đúng quy họach và kế hoạch phát triển. Thế nhưng “ cà phê ngoài luồng ” - cà phê ngoài quản lý của địa phương, của ngành nông nghiệp vẫn tồn tại. Đó là cà phê người dân tự chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả nhưng không báo cáo địa phương, cà phê trồng xen với các loại cây trồng khác... nhưng phần lớn là cà phê được trồng từ đất lấn chiếm rừng trái phép. Điều này không khó nhìn thấy trên thực tế và càng thấy rõ hơn trong những đợt “ giải tỏa lấn chiếm rừng ” vì hầu hết diện tích bị giải tỏa để lấy lại đất cho rừng đều là đất đã được người dân trồng cà phê.

Đất rừng bị thu hẹp do người dân lấn chiếm để trồng cà phê.
Ảnh: Văn Đông

Do ngoài luồng nên không thể có con số chính thức diện tích này là bao nhiêu nhưng theo con số ước tính của các ngành chức năng cũng như một vài địa phương trồng nhiều cà phê thì diện tích ấy lên đến hàng nghìn ha. Và theo đó thì sản lượng cà phê nhân trên thực tế ở Lâm Đồng cũng tăng lên hàng chục nghìn tấn. Cái “ được ” của diện tích cà phê này là nhiều diện tích đất nông nghiệp tăng được giá trị sản xuất nhờ “ cải tạo, xen ghép ” những loại cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế kém, người dân có thêm nguồn thu nhập, sản lượng cà phê thực tế tăng cao... Tuy nhiên xét cho cùng thì “ lợi bất cập hại ”. Cái hại lớn và trực quan nhất đó là khi “ cà phê ngoài luồng ” còn tồn tại và cứ tiếp tục tăng thì đồng nghĩa rừng càng bị xâm hại với con số không thể tính được ( và cũng vì thế mà hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn phá rừng, chiếm đất rừng để trồng cà phê do giá cà phê đang tăng cao ); Quy hoạch sản xuất cà phê ( và lớn hơn là quy họach sản xuất nông nghiệp, quy họach quỹ đất...) không sát với thực tế, dễ bị phá vỡ và theo đó là việc hoạch định kế hoạch kinh tế ngắn hạn cũng như dài hạn ( về sản xuất, xuất khẩu...) không thể đạt được hiệu quả như mong muốn do có phần “ảo”...

Tại sao “ cà phê ngoài luồng” xuất hiện và tồn tại ? Có nguyên nhân lớn từ phía người dân đó là do nhu cầu “ tự phát ” trong phát triển kinh tế của người dân, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân kém... Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì nguyên nhân chính vẫn là nguyên nhân chủ quan từ góc độ quản lý Nhà nước. Các chủ thể quản lý nhà nước về rừng ở cơ sở còn nhiều yếu kém, Thực tế biến động các loại quỹ đất và cây trồng không được cập nhập kịp thời...; Đặc biệt còn do “ Có nơi chính quyền cơ sở không báo tăng diện tích cà phê vì sợ giảm các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, bị chịu trách nhiệm về quản lý rừng... và hơn thế nữa là sợ làm tăng tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương ” – như một lãnh đạo Ngành nông nghiệp Lâm Đồng phân tích.

Đến bao giờ thì “ cà phê ngoài luồng” hết “ làm buồn ” sự phát triển chung, phát triển bền vững... của Lâm Đồng ? Làm gì để chấm dứt tình trạng “ cà phê ngoài luồng” đó ? Điều này chỉ có các ban ngành chức năng và đặc biệt là chính quyền các địa phương ở Lâm Đồng mới trả lời được.

Phan Văn Đông