12:10 15/12/2010

Cá mập - Nỗi kinh hoàng giữa biển khơi - Kỳ 1: Ám ảnh cá mập tấn công người

Trong thế giới mênh mông tưởng như vô tận của đại dương ẩn chứa bao nỗi hiểm nguy đối với con người, một trong số đó là cá mập. Mỗi khi có một vụ cá mập tấn công người xảy ra, các câu chuyện ghê rợn về sự hung bạo của loài cá này lại được dịp xới lại.

Trong thế giới mênh mông tưởng như vô tận của đại dương ẩn chứa bao nỗi hiểm nguy đối với con người, một trong số đó là cá mập. Mỗi khi có một vụ cá mập tấn công người xảy ra, các câu chuyện ghê rợn về sự hung bạo của loài cá này lại được dịp xới lại. Tuy nhiên, không phải mọi suy nghĩ của con người về cá mập đều đúng. Thay vì bị ghét bỏ, chúng cần được bảo vệ hơn bao giờ hết trước sự tấn công thái quá của con người.

Hình ảnh dữ tợn của cá mập.


Theo báo cáo mới nhất của Đại học Florida (UoF) vừa công bố đầu tháng 3/2010, các vụ cá mập tấn công người tăng lên dần qua các thập niên và lên đến 646 trường hợp trong thập niên 2000, so với 493 trường hợp trong thập niên 1990.

Có lẽ số liệu của UoF được nhiều người quan tâm bởi Florida là một trong những bang của Mỹ xảy ra các vụ cá mập tấn công người thường xuyên nhất. George Burgess, Giám đốc bộ phận nghiên cứu các vụ cá mập tấn công người trên toàn thế giới của UoF cho biết, sự gia tăng nói trên liên quan đến sự gia tăng các hoạt động của con người trên biển và hành vi của họ, nhiều hơn là tính khí của cá mập. Nhiều người tắm biển hoặc tham gia các hoạt động khác trên đại dương đồng nghĩa với nhiều vụ tấn công xảy ra hơn. Tuy nhiên, số vụ chết người lại giảm mạnh. Cách đây 100 năm tỷ lệ tử vong do bị cá mập tấn công là 61%, nhưng đến cuối những năm 1990 giảm còn khoảng 7%. Ông Burgess giải thích công tác giám sát, cảnh báo và chăm sóc y tế tốt hơn đóng góp phần quan trọng. “Các đội phản ứng nhanh ngày càng bám sát bờ biển, các nhân viên cứu hộ xuất hiện nhiều trên bãi tắm. Và lời khuyên của chúng tôi bắt đầu có hiệu lực đối với nhiều người trước khi họ chọn lựa thời gian và địa điểm đi nghỉ”, ông nói.

Trong 3 năm qua, các vụ tai nạn do cá mập gây ra giảm đều ở Mỹ: Từ 50 vụ năm 2007 xuống còn 41 vụ năm 2008 và 28 vụ năm 2009. Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân là suy thoái kinh tế khiến số người đi nghỉ ở biển ít đi.

Trong năm 2009, chỉ có 5 vụ cá mập tấn công gây chết người, trong đó Nam Phi chiếm tới 4 và tất cả các nạn nhân đều liên quan đến hoạt động lướt sóng ở dạng này hay dạng khác. Các chuyên gia giải thích người lướt ván là mục tiêu số một của cá mập là bởi hoạt động của họ làm mặt nước văng tung tóe khiến cá mập bị kích động. Ngoài ra, những người yêu thích môn lướt sóng thường tìm đến các vùng biển có sóng to, cũng là nơi tập trung nhiều cá mập. Hơn nữa, lướt sóng là một môn thể thao cá nhân, người chơi phải ra cách xa bờ, khiến họ không được cấp cứu kịp thời một khi xảy ra sự cố.

Các nạn nhân sống sót trong vụ tàu Indianapolis được đưa lên bờ cứu chữa.


Tuy nhiên, cũng chỉ có một số giống thích tấn công người chơi lướt sóng, ví dụ cá mập trắng. Nhìn từ phía dưới, chúng nghĩ các các vật lềnh bềnh trên mặt nước là một loài động vật chân có vây như hải cẩu, hải mã hoặc hải sư - thức ăn ưa thích của cá mập.

Sự kiện cá mập tấn công kinh hoàng nhất được ghi nhận trong lịch sử xảy ra ngày 30/7/1945. Trước đó 4 ngày, tàu USS Indianapolis của Mỹ vừa vận chuyển xong quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới chuẩn bị khai hỏa tới căn cứ quân sự trên hòn đảo Tinian ở Thái Bình Dương. Đúng vào ngày định mệnh đó, hai quả ngư lôi phóng ra từ một chiếc tàu ngầm của Nhật Bản đã bắn trúng tàu Indianapolis. Con tàu bị nứt vỡ làm đôi. Thủy thủ đoàn, phần lớn không có thuyền cứu sinh, bị văng ra hoặc phải nhảy khỏi con tàu. 900 con người mặc áo cứu sinh bơi lóp ngóp trên mặt sóng. Khi bình minh ló rạng vào ngày hôm sau, đàn cá mập đánh hơi bắt đầu tiếp cận khu vực. Đầu tiên chỉ một vài con, nhưng sau đó ngày càng nhiều con kéo tới. Chúng tấn công các thủy thủ, đa phần đã mệt mỏi vì bị cháy nắng, đói và khát. Bốn ngày trôi qua. Khi tàu cứu hộ tới hiện trường, trước mắt họ là một cảnh tượng kinh hoàng: Có tới 579 người thiệt mạng, một số bị cắn nát thành nhiều mảnh. 321 người khi được đưa lên khỏi mặt nước vẫn còn sống, nhưng cuối cùng chỉ có 317 người sống sót.

Quá kinh hoàng, quân đội Mỹ sau đó đã bơm tiền để nghiên cứu những thứ có thể đánh đuổi cá mập. Phát hiện lớn đầu tiên là cá mập rất ghét mùi thịt chết của đồng loại. Tuy nhiên, mang theo một con cá mập chết trên mỗi chuyến hành trình không phải là giải pháp thực tế, vì vậy các nhà khoa học tìm cách tổng hợp hóa chất làm thay việc này. Các hợp chất của đồng, như đồng sunphát và đồng axetat có thể đẩy lui cá mập, nhưng trên thực tế các hóa chất do các nhà khoa học tạo ra hầu như không có hiệu quả với đàn cá.

Đến năm 1974, khi nhà ngư học Eugenie Clark phát hiện ra loài cá bơn Moses tiết ra một chất độc xốp, có bọt giống xà phòng được gọi là pardaxin có thể làm cá mập sợ hãi. Nhưng vấn đề ở chỗ loại chất độc này rất khó bảo quản, vì vậy nỗ lực của các nhà khoa học trở lại vạch xuất phát.

Sau đó, nhà động vật học người Ixraen Eliahu Zlotkkin đưa ra ý tưởng: Chất độc của cá bơn Mosses giống xà phòng, vậy xà phòng có thể có tác dụng. Phỏng đoán này hóa ra chính xác. Các nghiên cứu cho thấy cá mập rất ghét xà phòng. Các hợp chất của natri và lithi có trong xà phòng khi thấm vào mang của cá mập khiến chúng rất khó chịu. Dù vậy, một lần nữa vấn đề lại nảy sinh: Người sử dụng phải phun được hợp chất này vào mặt của cá mập. Ngoài ra, xà phòng có thể gây ô nhiễm môi trường.

Gần đây, các nhà nghiên cứu sử dụng điện để xua đuổi cá mập. Mũi cá mập chứa nhiều xúc giác cảm thụ điện có thể nhận biết được những xung điện cực yếu. Do vậy, các thiết bị phát điện do con người tạo ra dễ dàng làm chúng bị giật và đau đớn. Tuy nhiên, việc sử dụng điện nhiều khi không hiệu quả hoặc gây nguy hiểm cho con người. Mạng dây diện bao quanh các bãi tắm có nhiều cá mập ở Nam Phi từng bị sóng đánh dạt vào gần bờ, gây nguy hiểm cho du khách. Hoặc gần đây thiết bị tạo điện trường bảo vệ cho một thợ lặn không hoạt động khiến anh này bị cá mập tấn công và thiệt mạng.

Cuộc nghiên cứu chống lại cá mập vẫn tiếp diễn, song các nhà bảo vệ môi trường gần đây chú trọng tới các biện pháp xua đuổi cá mập hơn là tiêu diệt chúng.

Vũ Hội
(Tổng hợp)

Đón đọc kỳ II: Những điều thú vị về cá mập