09:07 09/09/2014

Bưu chính Viễn thông tạo sức mạnh tài chính mới

VNPT... đã bàn giao nguyên trạng MobiFone về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quản lý được hơn 1 tháng nay. Theo các chuyên gia viễn thông, sức mạnh về tài chính của VNPT có thể bị giảm đi một nửa nhưng Tập đoàn này có thể dùng nội lực hiện có để tạo ra sức mạnh tài chính mới.

VNPT, đơn vị từng sở hữu mạng MobiFone và VinaPhone, đã bàn giao nguyên trạng MobiFone về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quản lý được hơn 1 tháng nay. Theo các chuyên gia viễn thông, sức mạnh về tài chính của VNPT có thể bị giảm đi một nửa nhưng Tập đoàn này có thể dùng nội lực hiện có để tạo ra sức mạnh tài chính mới.


Không quá lo ngại “sức khỏe đại gia”


Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), MobiFone chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nên tách MobiFone ra khỏi, VNPT đương nhiên gặp khó khăn.

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son: “VinaPhone sẽ trở thành trụ cột duy nhất của VNPT”.


Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực VNPT cũng cho biết: Tách MobiFone ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNPT vì MobiFone có hơn 40 triệu thuê bao, chiếm tỷ trọng doanh thu rất lớn của Tập đoàn. VNPT đã phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Đầu năm 2014, kế hoạch doanh thu của VNPT (bao gồm doanh thu của MobiFone) dự kiến đạt hơn 120.000 tỷ đồng, nay phải điều chỉnh xuống còn 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm xuống còn 2.600 tỷ đồng.


Dự kiến, đến tháng 1/2015 VNPT sẽ thực hiện tái cơ cấu xong và hoạt động theo mô hình mới. Toàn bộ cơ chế kinh tế giữa kinh doanh với hạ tầng đã được chuẩn bị từ năm ngoái. Vì vậy, khi viễn thông tỉnh, thành tách phần kinh doanh và mạng lưới thì tất cả các cơ chế kinh tế này sẽ chuyển từ cơ chế nội bộ sang cơ chế hạch toán độc lập. Nếu như trước đây, phần truy nhập cố định sẽ do viễn thông các tỉnh, thành đảm nhiệm, nhưng với tổ chức mới thì viễn thông các tỉnh thành sẽ quản cả phần truy nhập vô tuyến và cố định. VinaPhone sẽ đóng vai trò hỗ trợ hạ tầng.

Tuy nhiên, khi MobiFone tách ra bảo đảm nguyên trạng cơ cấu tổ chức, tài chính, cơ sở hạ tầng mạng lưới và các dự án đầu tư của MobiFone, “Do đó, quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng, việc sản xuất kinh doanh của MobiFone cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại. VNPT và MobiFone cam kết quá trình tái cơ cấu sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu khách hàng của cả VNPT và MobiFone ở tất cả các dịch vụ đang cung cấp như thông tin di động, cố định, Internet…”, ông Đức khẳng định.


Theo VNPT, với tình hình kinh doanh của VNPT hiện nay, Tập đoàn vẫn bảo đảm thu nhập, đời sống của người lao động không bị ảnh hưởng. “Từ năm 2010 đến nay lợi nhuận của MobiFone nộp về hầu như không quay trở lại đầu tư cho Tập đoàn mà phải nộp vốn điều lệ cho Tổng công ty Bưu điện sau khi tách khỏi VNPT. VNPT vẫn có quỹ đầu tư phát triển với gần 10.000 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch năm nay chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng. Tất nhiên, nếu MobiFone nằm trong VNPT thì Tập đoàn sẽ có nhiều kinh phí hơn để đầu tư vào các dự án lớn”, ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc VNPT nói.


Giao quyền cho viễn thông tỉnh, thành


Không còn MobiFone, VNPT buộc phải chuyển mình theo mô hình mới để tồn tại và phát triển. Thay vì cơ chế "xin cho" như trước đây, VNPT tỉnh, thành sẽ được giao thêm quyền lực mới và được xem là "tư lệnh mặt trận" tại địa phương mình phụ trách. Theo đó, kể từ ngày 1/8, các VNPT tỉnh, thành phố đã chính thức thực hiện phương án tách riêng 2 khối: Kinh doanh và Kỹ thuật. Đây là bước khởi động cho giai đoạn triển khai tái cơ cấu Tập đoàn.


Theo ông Trần Vĩnh Phúc - Trưởng ban Tổ chức cán bộ - lao động của Tập đoàn VNPT, với mô hình trước đây, VNPT tỉnh, thành đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương, góp phần xây dựng uy tín thương hiệu của VNPT. Tuy nhiên trong giai đoạn mới, mô hình này bắt đầu bộc lộ điểm yếu, không phù hợp thực tế phát triển. Đồng thời không thể tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc một Tập đoàn kinh tế điều hành nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc thì mô hình sẽ bị cồng kềnh và tạo ra mối quan hệ phức tạp, chồng chéo, thiếu chủ động. Sự suy giảm các chỉ số căn bản nhất của doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, thị phần đã đặt ra cho Tập đoàn yêu cầu phải đổi mới, tái cơ cấu càng sớm càng tốt để khắc phục những điểm yếu, những tồn tại hiện có, để từ đó tăng sức cạnh tranh và phát triển.


Đại diện VNPT cho biết: Tập đoàn và Bộ TT-TT đều xác định, việc tái cấu trúc khối VNPT tỉnh, thành là khâu khó nhất và chiếm tới 2/3 khối lượng công việc của quá trình tái cơ cấu VNPT. Chính vì vậy, năm 2012, khi xây dựng Đề án Tái cơ cấu toàn Tập đoàn, nội dung tái cấu trúc khối VNPT tỉnh, thành đã trở thành một trọng tâm. Tập đoàn đã có các văn bản điều hành yêu cầu 63 VNPT tỉnh, thành tổ chức lại hệ thống kênh bán hàng trên địa bàn, đồng thời tiến hành tách riêng 2 khối Kinh doanh và Kỹ thuật.


Theo Tổng Giám đốc VNPT, bộ máy của VNPT đã bắt đầu chuyển động tốt sau khi áp dụng cơ chế quản lý mới bằng biện pháp kinh tế. Việc VNPT giao quyền chủ động cho các VNPT địa phương tự quyết về sử dụng vốn đầu tư buộc các đơn vị phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình. Với quyết định này, Tập đoàn sẽ loại bỏ được cơ chế “xin - cho” và các đơn vị sẽ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh nhịp đầu tư theo thị trường.


Cũng theo ông Hùng, theo cơ cấu mới của VNPT, các đơn vị viễn thông tỉnh thành sẽ thực hiện tách riêng phần kinh doanh, bán hàng và mạng lưới. Hiện nay đã có hơn 20 đơn vị thực hiện tách phần kinh doanh, bán hàng theo cơ cấu mới.


Minh Phương- TK