06:05 10/06/2014

Bút ký Trường Sa

Có mặt cùng đoàn cán bộ của 5 tỉnh Tây Nguyên đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đúng vào những ngày xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam chúng tôi càng được cảm nhận giá trị thiêng liêng của biển đảo.

Có mặt cùng đoàn cán bộ của 5 tỉnh Tây Nguyên đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đúng vào những ngày xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam chúng tôi càng được cảm nhận giá trị thiêng liêng của biển đảo, cũng như tình cảm của đất liền đối với những cán bộ, chiến sĩ đang từng ngày, từng giờ nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Xin chia sẻ cùng bạn đọc nhật ký chuyến hành trình đến nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

 

Bài 1: Mang ra tình cảm, mang về niềm tin

 

Có một hành trình đã bắt đầu thì không thể nào dừng lại được, đó là hành trình của nỗi nhớ, của tình yêu với Trường Sa - nơi tình yêu mang ra, niềm tin còn mãi...

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn.

Chờ đợi để được ra Trường Sa từ tháng 4, vậy mà phải đến giữa tháng 5 tôi mới được lệnh lên đường. Được biết, đây là chuyến đi thăm đảo thứ 12 trong năm hay nói đúng hơn là trong mùa sóng yên, biển lặng này.

 

Trời tờ mờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở tân cảng Cát Lái. Đồng hồ chỉ đúng 8 giờ, tàu nhổ neo rời bến Cát Lái ra sông Sài Gòn hướng ra Biển Đông. Con tàu HQ 571 kéo 3 hồi còi dài âm âm chào đất liền hướng về Trường Sa thân yêu. Chuyến đi này, ngoài thủy thủ đoàn, còn có gần hai trăm già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín là người dân tộc (Ba Na, Jer Triêng, Xê Đăng, Ja Rai, H Rê, Rô Ngao, Ê Đê, M Nông, Tày, Nùng, Chu Ru, K Ho, Lạch) của 5 tỉnh Tây Nguyên. Nhiều người tuổi đã cao, có người đã 75 tuổi. Họ là những người gắn bó với đại ngàn Tây Nguyên và đều là những người lần đầu ra với biển lớn, đến với Trường Sa.

 

Thời tiết tháng 5 ở Biển Đông rất đẹp, tàu HQ 571 lướt trên mặt biển êm ru. Những con sóng nhỏ chỉ đủ rập rình như bàn tay ai đó đưa võng thật nhẹ. Cả đoàn vui vẻ, náo nức nhất có lẽ là các già làng, trưởng bản vẫn đủ sức khỏe cho cả chuyến đi đặc biệt, vượt cả ngàn cây số này… Đã từng nghe nói đi Trường Sa rất vất vả nhưng trong lần đầu tiên từ Tây Nguyên đến với đảo, mọi người đều háo hức ùa lên boong để ngắm cảnh.

 

Để tạo cơ hội các thành viên trong đoàn có dịp làm quen nhau, đồng thời cũng tập dượt cho các buổi giao lưu văn nghệ với những người lính trên đảo trong suốt chuyến đi của đoàn, buổi tối đầu tiên trên tàu, đoàn công tác tổ chức buổi giao lưu văn nghệ. Đại diện các đoàn đăng ký hát, đọc thơ, phá vỡ kịch bản có trước và lấn cả phần biểu diễn của đội văn nghệ xung kích. Những câu hát hướng về Trường Sa, về tình yêu quê hương, đất nước làm cho ai cũng rưng rưng xúc động. “Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa. Nước non một nhà xuôi con tàu ra Bắc vào Nam…”. Đêm xuống, chúng tôi lên trên boong tàu hóng mát, ngắm sao trời, biển đêm. Giữa mênh mông trùng khơi tỏa sáng những khoảng trắng, nhìn hướng nào cũng thấy. Đó chính là tàu câu cá ngừ, câu mực của ngư dân ta. Thế mới thấy, người dân mình ở đâu, ấy là nơi quê nhà mình đấy.

 

Sau hơn một ngày, HQ 571 đưa chúng tôi tới đảo Trường Sa Lớn vào lúc nửa đêm. Trong đêm tối, nhìn từ xa Trường Sa Lớn giống như ngọn hải đăng giữa biển rộng. Trời sáng mới thấy rõ, từ boong tàu nhìn vào, đảo trông thật đẹp, giống như một vùng quê ven biển trù phú trên đất liền với những ngôi nhà mái đỏ, những hàng cây xanh rợp bóng mát, bãi biển cát trắng lóa giữa nắng, biển xanh miên man. Ngay sau khi đoàn đặt chân lên đảo, những bàn tay, vòng tay cán bộ, chiến sĩ, người dân siết lấy, ôm chặt. Nghẹn ngào. Rưng rưng. Mọi mệt mỏi dường như tan biến hết. Đoàn công tác và quân dân trên đảo tổ chức lễ chào cờ ngay ở Cột mốc chủ quyền. Dưới cái nắng như đổ lửa, tất cả mọi người cùng trang nghiêm hát Quốc ca. Kết thúc lễ chào cờ, đoàn đến thắp hương tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ, tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắp nén nhang trước mộ các liệt sỹ đã hy sinh trên đảo. Tiếp đó là buổi nói chuyện thân tình giữa đoàn với cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo.

 

Thời gian trôi thật nhanh, đã đến giờ chúng tôi phải tạm biệt đảo lên tàu để tiếp tục cuộc hành trình. Toàn bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo ra tận cầu cảng để tạm biệt đoàn. Không khí vô cùng xúc động. Chúng tôi đứng lặng người trên lan can tàu nhìn những hình ảnh chiến sỹ, nhân dân, các cháu trên đảo xếp thành hàng vẫy tay tiễn biệt. Tàu hú lên 3 hồi còi rồi chầm chậm rời cảng, những cánh tay vẫn vẫy cho đến khi chỉ còn tiếng sóng biển ngăn cách hai bên, chỉ còn lại hình ảnh những cánh tay giơ lên vẫy chào tạm biệt trong ánh mắt nhòe lệ.

 

Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trưởng đoàn công tác Trường Sa số 12 cho biết, trong tình hình Biển Đông đang phức tạp, chuyến đi của đoàn công tác trong đó số đông là các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, những người có uy tín của các tỉnh miền núi Tây Nguyên đến với Trường Sa có một ý nghĩa lớn lao. Đó như một lời khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, một phần của đất nước thống nhất. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn cho thấy sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân với biển đảo; sự lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam về trang bị kỹ thuật, huấn luyện chiến đấu. Qua chuyến đi đầy ý nghĩa này, qua những gì mắt thấy, tai nghe, những câu chuyện thật, những con người thật trên đảo, các thành viên trong đoàn có được những câu chuyện sinh động nhất về Trường Sa, Hoàng Sa để kể với đồng bào, người thân khi về với miền rừng núi Tây Nguyên. Một dải non sông từ đồng bằng, núi cao tới biển đảo liền một mạch trong tâm thức con dân nước Việt.

 

Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: “Từ trước đến nay, các anh em chiến sỹ, cán bộ, nhân dân trên đảo có được sự quan tâm của đất liền bằng nhiều chuyến tàu đến với Trường Sa, thăm hỏi động viên các anh em chiến sỹ, cán bộ, nhân dân trên đảo. Nhưng đây là lần đầu tiên được các già làng, trưởng bản, những người có uy tín, những người con ưu tú của các dân tộc từ núi rừng Tây Nguyên xa xôi ra thăm nên chúng tôi rất xúc động. Xúc động hơn nữa khi các già làng, trưởng bản tuổi đã cao nhưng đã không quản mọi khó khăn, sóng gió vượt hàng ngàn cây số đến để động viên những người lính đảo. Đây là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn...”.

 

Già làng, trưởng bản là những hạt nhân chính trị ở Tây Nguyên. Đem sự động viên, khích lệ, gửi gắm những tình cảm của người dân Tây Nguyên đến đảo xa sẽ khiến các chiến sỹ thêm vững lòng hơn. Nhìn những người chiến sĩ rắn rỏi, hết lòng cống hiến nơi đảo xa, vững chắc tay súng, những người dân Tây Nguyên, những người có mặt trên chuyến ra đảo lần ấy càng thêm vững niềm tin về sự bình yên và hòa bình của đất nước như câu nói luôn đúng với những chuyến ra Trường Sa “Mang ra tình cảm, mang về niềm tin”.

 

Bài và ảnh: Lê Sơn

 

Bài 2: Trường Sa trong lòng “những cánh chim đại ngàn”