12:07 09/12/2014

Buông lỏng cho xe khách chở hàng

Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại lớn là cơ hội kinh doanh “béo bở” của các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, trong khi chưa có quy định quản lý nguồn gốc, khối lượng hàng hóa lên xe… nhiều nhà xe vì lợi nhuận đã “nhắm mắt” chở hàng trên xe khách. Đây là kẽ hở khó kiểm soát an toàn vận tải.

Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại lớn là cơ hội kinh doanh “béo bở” của các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, trong khi chưa có quy định quản lý nguồn gốc, khối lượng hàng hóa lên xe… nhiều nhà xe vì lợi nhuận đã “nhắm mắt” chở hàng trên xe khách. Đây là kẽ hở khó kiểm soát an toàn vận tải.

Nguy cơ mất an toàn

Có mặt tại Bến xe Lương Yên 8/12, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận, đội ngũ lái, phụ xe các xe khách 30 - 45 chỗ chạy tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hà Tĩnh… của các nhà xe Sơn Bình, Thuận Hiền đều đang tất bật chuyển hàng từ xe tải lên xe khách. Nhiều xe chất hàng dưới gầm xe không đủ, còn tháo rời các hàng ghế sau trên xe để chứa hàng. Chốc chốc lại có người đi xe thồ chở các thùng carton đóng kín hàng đến, không biết chứa gì bên trong, không cần kiểm tra, phụ xe chuyển các thùng hàng lên xe, đánh số thứ tự và ghi lại số điện thoại người gửi, người nhận.

Phụ xe khách chạy nhanh xuống lấy hàng lên xe mà không biết hàng gì.



Chị Nguyễn Thanh Bình, tự nhận là phụ xe cho chồng, nhà xe Sơn Bình cho biết: Giáp Tết, xe khách chở hàng dễ “kiếm” hơn chở khách. Mỗi chuyến chở hàng có thể kiếm vài triệu đồng, trong khi chở khách phải quay đầu may ra mới không bị lỗ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cước chở hàng của những xe khách thường rẻ hơn từ 30 - 50% so với việc vận chuyển bằng xe tải. Cụ thể, một thùng hàng khoảng 50 kg chở từ Hà Nội đi Hà Tĩnh khoảng 1 triệu đồng, thì vận chuyển bằng xe khách chỉ hết hơn 300.000 đồng. Chưa kể, việc gửi hàng bằng xe khách tiện lợi, ngày nào cũng có chuyến, không lo thất lạc…

Tại Điều 68, Luật Giao thông đường bộ quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó có quy định người vận tải, người lái xe khách không được chở hàng nguy hiểm, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách. Còn tại Điều 71 quy định về quyền và nghĩa vụ của hành khách là “không mang theo hành lý mà pháp luật cấm lưu thông”.

Đại diện Ban quản lý bến xe Lương Yên giải thích: Từ trước đến nay, chưa có quy định nào liên quan đến việc kiểm tra diện tích khoang hành lý của xe khách. Các cơ quan đăng kiểm cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá độ an toàn của khoang hành lý, độ kín khít cửa xe, độ chắc của các giá đỡ… Thậm chí, các xe cơi nới thêm khoang chứa hàng, các trung tâm đăng kiểm cũng chưa kiểm soát được. Thêm vào đó, hiện nay kích thước khoang chứa hàng trên xe khách cũng khá đa dạng, tùy chủng loại xe. Ban quản lý bến xe chỉ có thể kiểm tra, cấm chở các loại hàng hóa dễ cháy nổ như: Bình ga, bình ôxy, thùng đựng xăng dầu… nhưng cũng khó kiểm soát hết hàng hóa đã được đóng gói vì không có thiết bị và không được phép.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: Đã từng có trường hợp một nhà xe nhận gói hàng từ người gửi giữa đường và được người gửi cho biết đó là hộp bánh kẹo, có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại của người nhận. Thế nhưng sau đó, khi lực lượng công an kiểm tra, phát hiện gói hàng chứa 3 kg pháo nổ. Nhà xe này đã bị xử lý nặng, chiếc xe bị tạm giữ một tháng theo quy định.

Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết thêm: Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương đều đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đảm bảo an toàn vận tải khách dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2015, nhưng quy định là vậy, càng sát Tết, lượng khách càng tăng nhiều, khó có thể kiểm soát được tình trạng xe chạy quay đầu, lái xe chạy quá số giờ quy định… Còn việc nhận hàng lên xe khách chủ yếu do lái xe nhận bên ngoài bến, các lực lượng chức năng trong bến khó có thể kiểm soát chặt.

Xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến vận tải

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: Sở đã giao lực lượng thanh tra phối hợp liên ngành với công an tăng cường kiểm tra, kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện vi phạm các quy định liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện hoạt động vận tải tại bến xe. Các bến xe cũng niêm yết công khai chất lượng các phương tiện đang hoạt động tại bến và số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bến xe.

Theo đó, các đơn vị khai thác bến phải giám sát chặt các phương tiện vận tải trước khi xuất bến, không để xảy ra tình trạng chằng buộc hàng hóa trên xe; với các xe xếp hàng hóa quá tải làm lệch trọng tâm xe, xếp hàng trong khoang chở khách (trừ hành lý khách được mang dưới 20 kg theo quy định), kiên quyết không cho xuất bến. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm, thanh tra có quyền đình chỉ, tạm giữ ngay phương tiện vi phạm, lãnh đạo quản lý bến xe sẽ chịu trách nhiệm trước Sở GTVT.

Về mặt quản lý Nhà nước, theo ông Bùi Danh Liên, Sở GTVT và ban quản lý các bến xe cần thống nhất văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với hàng hóa tham gia vận tải. Chẳng hạn, quy định khi nhận hành lý của hành khách, phải xác minh, ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại, thậm chí cả chứng minh nhân dân của người gửi và người nhận, để có thể truy trách nhiệm khi hàng hóa đó có vấn đề, nhất là các trường hợp cháy nổ.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Trần Quang Bình, tại Thông tư số 18: Cấm vận chuyển hàng cấm, súc vật, hàng dễ cháy nổ... trên xe khách và không được chở hàng quá tổng khối lượng cho phép của phương tiện. Bến xe có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn ngay từ bến. Tuy nhiên, do bến xe không thể tổ chức cân trọng tải và kiểm soát quá trình xe khách nhận hàng trên đường, nên trách nhiệm chính vẫn phải là đơn vị vận tải và lái xe.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu