09:15 04/09/2011

Buồn vui “nhà báo làng”

“Còn sống, tôi còn muốn tiếng đài, tiếng loa của mình được phục vụ bà con…”, ông Hà Văn Thùy, Trưởng trạm truyền thanh thôn Gà nói, mắt nhìn ra xa xăm.

“Còn sống, tôi còn muốn tiếng đài, tiếng loa của mình được phục vụ bà con…”, ông Hà Văn Thùy, Trưởng trạm truyền thanh thôn Gà nói, mắt nhìn ra xa xăm.

Đứng ở cổng Trường Tiểu học Vân Sơn (xã Sơn Động, huyện Bắc Giang) - ngôi trường nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, ngó chếch qua bên kia đường là thấy trạm truyền thanh thôn Gà. Ông Hà Văn Thùy là trưởng trạm phát thanh ấy, kể từ năm 1982. Mấy tháng gần đây, ông Thùy không ra trạm nữa, từ khi bộ tăng âm bị hỏng, xã không đầu tư sửa.

Điều ám ảnh anh bộ đội phục viên

“Vì sao tôi lại làm không công bao nhiêu năm cho cái trạm phát thanh thôn Gà này à? Nói thật, vì tôi thương người dân quê mình thiếu văn hóa, thông tin”, ông Thùy bùi ngùi.

Sinh ra tại thôn Gà, tháng 4/1972, chàng trai Hà Văn Thùy nhập ngũ. Năm 1973 vào chiến trường; đến tháng 10/1977, anh bộ đội Hà Văn Thùy phục viên chuyển ngành.

Ông Hà Văn Thùy ngày ngày vẫn mang ghế ra hiên nhà nghe đài, đọc báo.


“Có một người mách tôi xin vào Quốc doanh chiếu bóng Hà Bắc”. Những ngày đầu làm chân chiếu bóng lưu động, ông được điều động về 6 xã vùng sâu vùng xa của huyện Sơn Động để phục vụ. Vùng đó toàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trí nhớ của người đàn ông dân tộc Tày này, ấn tượng vẫn còn rõ nét trong những ngày đầu vào chân chiếu bóng là: “đồng bào còn thiếu thốn nhiều quá” và một trong những “cái thiếu” đó là thiếu thông tin. Đó cũng là lý do mà năm 1982, khi Quốc doanh chiếu bóng Hà Bắc giảm biên chế, ông Thùy về quê bám đất, bám vườn thì cuộc đời ông lại chính thức gắn liền với trạm truyền thanh thôn Gà.

“Alô! Đây là đài phát thanh thôn Gà”

Khi thôi “chân” chiếu bóng lưu động, ông Thùy về quê mang theo một cái đài con con, món đồ nhỏ mua từ miền Nam - những năm đi bộ đội đánh Mỹ. “Số là, bà cụ sinh ra tôi rất ham nghe đài. Đi nương cũng đem theo để nghe. Bà thà chịu dãi nắng, để lấy nón che cho cái đài. Lúc mưa, bà lại đem vải mưa cuộn cho đài. Sau đó, tôi bèn mua một cái đài to của Trung Quốc, về mở cho bà nghe. Mỗi lần đài bật lên, người dân qua đường thường dừng lại, dỏng tai nghe.

Hồi đó thôn Gà chưa có điện, để có điện mở đài cho bà con, ông Thùy một mình đắp đập thủy điện nhỏ để phát điện. “Có điện rồi, các anh ở dưới đài phát thanh huyện lên thăm, cho thôn Gà một cái tăng âm 40 oát để phát cho bà con. Năm 2005, đài tiếng nói Việt Nam tổ chức thi giọng phát thanh toàn quốc, tôi đi thi, về các anh ấy lại bổ sung cho cái tăng âm 200 oát. Cái tăng âm này dùng cho mãi tới nay”, ông nhớ lại, đầy hãnh diện.

“Ngày nào tôi cũng mở đài cho bà con nghe. Không mở thì bà con đến hỏi, ốm hay là đau thế nào mà không mở?”.

Buồn vui từ “trạm đài”

Từ chỗ chỉ mở đài - tiếp sóng đài phát thanh trung ương cho bà con, ông Thùy chuyển dần sang phát các bản tin do ông viết, biên tập và đọc. Gương tốt, gương xấu trong thôn, các thôn lân cận, ông đều viết. “Mà tôi chỉ viết tin thôi, chưa có trình độ viết phóng sự được”, ông tâm sự.

Bản tin của ông cũng đưa cả chuyện chăn trâu, để trâu ăn lúa của người làng và cũng viết cả tin có anh kia say rượu về đánh vợ, đánh con. “Viết xong, đọc lại cho bà con nghe, để rút kinh nghiệm”.

Cũng vì say mê tiếng loa, tiếng đài mà ông phải nhiều năm sống trong cảnh “đi khỏi nhà thì chớ, còn về nhà, lại nghe vợ con cằn nhằn”. Có lần ông đành ngậm ngùi nói với chính quyền địa phương: “Tôi không yêu cầu tiền lương. Chỉ mong các anh năm hết Tết đến, có gói quà nhỏ đến động viên, để vợ con tôi đỡ nói tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Nhưng cũng nhờ quên mình để phục vụ bà con dân bản, ông có được những niềm vui ít ai có được. Ông Thùy luôn hãnh diện vì nhờ tiếng loa, tiếng đài của mình mà bà con biết cách làm ăn: “Tôi cũng thấy phấn khởi, vì thông qua loa đài, người dân biết làm giàu”.

Năm 2002, ông Thùy được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn đi báo cáo điển hình tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Năm 2005, ông được giải cuộc thi giọng phát thanh toàn quốc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Niềm vui đó là động lực để ông tiếp tục phục vụ bà con bằng tiếng “Alô” của mình.

Thế nhưng, từ khi tăng âm bị hỏng, xã chưa sửa được, cánh cửa trạm phát thanh im ỉm khóa. Lâu nay, ông Thùy không lên trạm nữa. Ở nhà, ngày ngày, ông kéo ghế ra ngồi ngoài hiên, đọc báo, nghe đài. Nhưng hễ ai hỏi giờ ông có mong ước gì, ông lại hào hứng trả lời: “Vẫn muốn làm nhà báo làng!”.

Bài và ảnh: Mạnh Minh