03:10 07/03/2011

Buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng

Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127 Trung ương), năm 2010, các tỉnh, thành phố đã xử lý trên 184 vụ vi phạm pháp luật với tổng số thu hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127 Trung ương), năm 2010, các tỉnh, thành phố đã xử lý trên 184 vụ vi phạm pháp luật với tổng số thu hơn 3.000 tỷ đồng.


Con số này giảm so với năm 2009, nhưng theo các chuyên gia, tình hình gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong năm 2011.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2011, nhiều khả năng hoạt động buôn lậu qua biên giới sẽ tiếp tục với quy mô và mức độ cao hơn.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tăng cường kiểm tra hàng nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN


Do vậy, Ban chỉ đạo 127 Trung ương sẽ triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường; các kế hoạch cao điểm tập trung kiểm tra, kiểm soát phục vụ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; xây dựng kế hoạch kiểm tra từng mặt hàng phù hợp với thị trường tại mỗi địa phương, chống hành vi găm hàng, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; kiểm tra chặt chẽ các đối tượng khai thác khoáng sản, sắt thép, gia cầm, mỹ phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến hộ kinh doanh và người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Chống buôn lậu và gian lận thương mại là một cuộc chiến liên tục, kéo dài và cần được thực hiện hết sức đồng bộ. Chúng ta không chỉ dừng ở những mong muốn, ở các quy định pháp luật mà phải thực hiện một cách có hiệu quả và chặt chẽ.


Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tăng cường việc kiểm tra xử lý sai phạm mà trước hết là những sai phạm trong quá trình thực hiện pháp lệnh giá. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường khâu kiểm tra kiểm soát, xử lý một cách nghiêm túc để răn đe”.

Để tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu trong năm 2011, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng: Phải ngăn từ đầu nguồn biên giới, khi không ngăn được hàng nhập lậu từ biên giới thì việc chống kinh doanh hàng nhập lậu trong nội địa không thể thực hiện một cách triệt để. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới nếu chúng ta không có thông tin và giải pháp kịp thời.


Hiện nay, chúng ta chỉ đối phó cục bộ khi vi phạm đã xảy ra, lại phân khúc đấu tranh theo từng địa phương, theo phân tuyến địa giới hành chính, từng cơ quan chức năng. Như vậy, khó có khả năng giải quyết vấn nạn nhập lậu ở một mặt hàng, một tuyến giao thông vận chuyển, chưa nói đến hàng nghìn mặt hàng và nhiều tuyến đường vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các địa phương, bộ, ngành tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, tập trung thực hiện công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục kiểm soát thị trường, kiểm soát giá để để bảo đảm bình ổn.


Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu xảy ra; xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật là giải pháp căn cơ để xử phạt, điều tra.


Mỗi đơn vị tiếp tục củng cố và kiện toàn, tăng cường nhân lực để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và giáo dục chính sách pháp luật để hình thành ý thức tự giác của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và người dân; chú trọng nâng cao hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu xuyên quốc gia.

Năm 2011, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thành xây dựng “Chương trình Quốc gia Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn 2011-2015”, đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả.


Các ngành hải quan, lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới trên biển, đất liền, các điểm buôn lậu diễn biến phức tạp tại các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam, tiếp tục giám sát chặt chẽ các lối mòn, khu kinh tế cửa khẩu, hàng không, bưu điện, cảng biển.

Đỗ Huyền