09:07 11/09/2014

Bước tiến lớn của khoa học vũ trụ Nhật Bản

Nhật Bản bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ vũ trụ từ những năm 1970 bằng sự ra đời của Trung tâm vũ trụ Tsukuba. Tại đây hiện có 1.565 công trình sư và kỹ sư thường xuyên làm việc.

Khoa học và công nghệ vũ trụ là tổng hợp thành quả từ nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau và cũng là biểu tượng của một quốc gia phát triển. Ngày 11/9/2009, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H-2B, mang theo tàu vũ trụ HTV không người lái đầu tiên của Nhật Bản vào không gian.

Có thể nói, chinh phục vũ trụ là một cuộc khai phá tốn kém nhất trong các lĩnh vực công nghệ nhưng vì lợi ích mà nó mang lại nên rất nhiều nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này.

Kể từ khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1 của Liên bang Xô Viết được tên lửa R-7 mang vào không gian ngày 4/10/1957, đến nay đã có hàng vạn vệ tinh được phóng lên tạo thành một tấm thảm bao quanh Trái đất.

Tên lửa H-2B được phóng lên vũ trụ.


Công nghệ vũ trụ không còn là “lãnh địa” độc quyền của nhiều nước châu Âu phát triển mà đã trở thành một trong những mục tiêu chính trong chiến lược phát triển công nghệ của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nhật Bản bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ vũ trụ từ những năm 1970 bằng sự ra đời của Trung tâm vũ trụ Tsukuba. Tại đây hiện có 1.565 công trình sư và kỹ sư thường xuyên làm việc. Những chuyến bay đầu tiên của Nhật Bản vượt khỏi quỹ đạo Trái Đất là vào năm 1985 với các vệ tinh quan sát sao chổi Halley mang tên Suisei và Sakigake.

Trong nỗ lực tăng tốc để bắt kịp các quốc gia phát triển khác trong lĩnh vực chinh phục không gian, tháng 10/2007, tàu thám hiểm SELENE (còn gọi là Kaguya) của Nhật đã đi vào quỹ đạo và chính thức bắt đầu thu thập dữ liệu về mặt trăng.

Ngày 11/9/2009, Nhật Bản lần đầu tiên thành công trong việc sử dụng tên lửa đẩy H-2B đưa tàu vũ trụ vận tải HTV lên Trạm ISS, đánh dấu một bước tiến lớn nữa của nền khoa học vũ trụ nước này sau thành công trong việc gửi tàu thăm dò đến mặt trăng.

Tên lửa đẩy H-2B do Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản JAXA phối hợp với tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd chế tạo trên cơ sở cải tiến từ tên lửa H-2A. Chương trình tàu vận tải HTV có trị giá 680 triệu đô la Mỹ và theo dự kiến sẽ phóng mỗi năm năm một chuyến tàu vận tải đến ISS theo thỏa thuận của các thành viên cùng hợp tác xậy dựng trạm tới năm 2015.

Ngày 22/1/2011, Nhật Bản tiếp tục phóng thành công tàu vũ trụ vận tải không người lái HTV2, tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima mang theo hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), chậm hơn 1 năm so với dự kiến.

Tàu vận tải HTV2.


Tàu vận tải HTV2, hay còn gọi là Konotori 2, mang theo 5,3 tấn hàng hóa gồm thực phẩm, nước uống, đồ dùng và một số dụng cụ thí nghiệm cho các nhà du hành vũ trụ đang có mặt trên ISS, trong đó có một nhà khoa học vũ trụ người Nhật làm việc trong Khoang thí nghiệm Kibo của Nhật Bản. Kibo (có nghĩa là Hy vọng) là phòng nghiên cứu khoa học lớn nhất trong số các khoang thí nghiệm hiện có trên ISS.

Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp vũ trụ, cuối năm 2013 Nhật Bản đã thành công đưa Robot Kirobo lên vũ trụ để thực hiện cuộc trò chuyện ngắn với phi hành gia người Nhật bản Koichi Wakata tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.

Để chế tạo Kirobo, các nhà khoa học Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng cảm xúc.

Robot còn có một camera và có khả năng nói tiếng Nhật. Cuộc trò chuyện của robot Kirobo và phi hành gia Koichi Wakata được công bố bằng đoạn video. Trong video, Wakata nói rằng ông rất vui khi gặp Kirobo và hỏi robot Kirobo về cảm giác khi ở trong môi trường không trọng lực.

Robot trả lời rằng nó đã quen với môi trường này và không cảm thấy có vấn đề gì. Thay vì sử dụng giọng nói với các cụm từ được lập trình sẵn, đáp lại những câu hỏi cụ thể, Kirobo có khả năng xử lý các câu hỏi, sau đó tự đưa ra câu trả lời theo cấu trúc và từ ngữ riêng. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu và phi hành gia thì cuộc nói chuyện của robot Kirobo diễn ra khá mạch lạc.

Nhật Bản hy vọng với nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp vũ trụ, đến năm 2020, quy mô của ngành công nghiệp vũ trụ nước này sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt mức 15.000 tỷ yên, tương đương 167 tỷ USD.

Không chỉ là một cường quốc kinh tế, Nhật Bản còn là một quốc gia có nhiều thành tựu nổi bật trong ngành khoa học vũ trụ. Mới đây, Nhật Bản đã công bố kế hoạch nhằm đưa các tàu vũ trụ không người lái lên mặt trăng.



Thông tin tư liệu