Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức ở khu nghỉ dưỡng ven biển Mamallapuram thuộc thủ phủ Chennai của bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, trong khuôn khổ chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Ấn Độ từ ngày 11 - 13/10.
Cuộc gặp này được đánh giá là cơ hội để lãnh đạo hai nước định hình lại quan hệ song phương trong tình hình mới, tìm cách mở rộng và củng cố bầu không khí thân thiện của cuộc tiếp xúc cấp cao năm 2018 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc,Trung Quốc.
Đây là cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn và có ảnh hưởng ở châu Á, được tiếp nối sau sự kiện đầu tiên ở Vũ Hán ngày 28/4/2018.
Tương tự cuộc gặp tại Vũ Hán, cuộc gặp lần này sẽ không có chương trình nghị sự cụ thể. Dự kiến, ngày 12/10 sẽ là ngày làm việc chính giữa hai nhà lãnh đạo và nội dung thảo luận tập trung vào kinh tế, giao lưu nhân dân, hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao năm 2020 và chống khủng bố.
Trọng tâm của chuyến thăm là quan hệ kinh tế - thương mại, trong đó gồm có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP), hiệp định thương mại tự do gồm 16 quốc gia, và Diễn đàn Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar.
Việc chọn Chennai làm nơi tổ chức cuộc gặp còn mang ý nghĩa chiến lược và kinh tế bởi Chennai có biệt danh là "Detroit của châu Á" và là thủ phủ của bang Tamil Nadu. Hiện có hơn 10 công ty Trung Quốc như Lenovo và Huawei hoạt động tại Tamil Nadu và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên.
Cuộc gặp lần này được kỳ vọng sẽ tạo thêm đà thúc đẩy để đưa quan hệ hai bên nồng ấm hơn và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, vốn được khởi xướng từ chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ tới thành phố Vũ Hán năm ngoái.
Cuộc gặp ở Vũ Hán đã đạt được hai kết quả mang tính đột phá. Thứ nhất, hai nhà lãnh đạo đã thiết lập một định hướng chiến lược cho lực lượng vũ trang của hai nước nhằm ngăn đụng độ trên đường biên giới tranh chấp, sau vụ đối đầu giữa quân đội hai bên ở khu vực Ấn Độ gọi là Doklam, còn Trung Quốc gọi là Đông Lãng, hồi năm 2017. Thứ hai là "mô hình 2 + 1", theo đó Trung Quốc và Ấn Độ hợp tác với bên thứ ba - một đề nghị để đưa New Delhi tham gia hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh trên khắp châu Á.
Sau cuộc tiếp xúc cấp cao ở Vũ Hán, Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới mà còn thực hiện một cuộc tập trận chung với tên gọi "Tay trong tay 2018", đồng thời tổ chức một cuộc đối thoại về hàng hải vốn được lên kế hoạch từ năm 2017. Ngoài ra, hai bên cũng tổ chức cuộc gặp cấp cao đầu tiên bàn về việc thực thi luật pháp và an ninh, cũng như cuộc gặp đầu tiên của cơ chế giao lưu nhân dân và văn hóa cấp cao mới được hai nước thành lập.
Giới chuyên gia nhận định các lý do địa chính trị và địa kinh tế đã tạo sức ép buộc Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác, dù rằng cạnh tranh giữa hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ còn tiếp diễn, và những bất đồng tồn tại nhiều năm vẫn khá gay gắt. Nói cách khác, hai bên đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ, giảm bớt sự đối đầu để có thể đối phó với những thách thức chung.
Chiếm hơn 1/4 tổng dân số thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai trụ cột quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương leo thang, hai nước đều đang phải tiến hành cải cách sâu sắc và kim ngạch thương mại song phương đã gần vượt qua ngưỡng 90 tỷ USD. Có thể thấy, mẫu số chung của hợp tác Trung - Ấn là quan điểm tương đồng giữa hai nước về việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đều đang khiến nền kinh tế của hai nước chịu thiệt hại.
Đối với Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều thách thức: nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá sinh hoạt leo thang, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng. Quan trọng hơn, cuộc chiến thương mại này còn có thể làm chậm kế hoạch kinh tế quan trọng của Bắc Kinh, như "Made in China" vào năm 2025. Do vậy, Trung Quốc coi Ấn Độ - với quy mô thị trường khổng lồ và nhiều cơ hội đầu tư lớn - là đối tác ưu tiên.
Bên cạnh đó, vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng tăng khiến New Delhi là đối tác chính trị không thể bỏ qua đối với Trung Quốc. Trong một tuyên bố hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Trung Quốc và Ấn Độ là những cơ hội, không phải mối đe dọa của nhau", thể hiện nhu cầu của Bắc Kinh muốn cải thiện và thúc đẩy quan hệ với cường quốc ở Nam Á này.
Còn đối với Ấn Độ, Trung Quốc vừa là nước lớn, vừa là nước láng giềng cùng chung biên giới. Do vậy, Trung Quốc chắc chắn vẫn là ưu tiên đối ngoại cao của Ấn Độ. Về mặt kinh tế, New Delhi hiểu rõ cơ hội mà Trung Quốc có thể mang lại, đặc biệt là triển vọng đầu tư lớn để thực hiện dự án quy mô "Made in India" (Sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm đưa nền kinh tế Ấn Độ đạt quy mô 5.000 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại lên đến 53 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019 đang gây quan ngại sâu sắc cho Ấn Độ.
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tới Bắc Kinh cách đây 2 tháng, Trung Quốc đã đề xuất mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, du lịch và thương mại xuyên biên giới để đạt được sự cân bằng trong một mối quan hệ thương mại song phương, Bắc Kinh cũng tuyên bố tăng nhập khẩu dược phẩm và công nghệ thông tin cũng như các sản phẩm nông nghiệp từ Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Ấn Độ được cho là đang duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn để triển khai chính sách “tự chủ chiến lược”, trong đó có việc tìm kiếm sự hòa hợp chiến lược với Mỹ và một trạng thái “bình thường mới” ổn định trong quan hệ với Trung Quốc. Sách lược này sẽ giúp Ấn Độ không bị ràng buộc hay lệ thuộc, đảm bảo quyền tự do hành động và luôn có dư địa cho điều chỉnh quan hệ khi cần thiết.
Mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng được đánh giá là sẽ tác động không nhỏ tới bức tranh chung, khi ảnh hưởng của cả hai quốc gia này tại khu vực và trên thế giới đang ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định việc giải quyết các vấn đề liên quan tới phát triển toàn cầu mà không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ là điều "bất khả thi" và việc xây dựng lòng tin giữa hai nước lớn nhất trong khu vực này là hết sức cần thiết.
Bởi vậy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo lần này có thể tạo nền tảng mới cho quan hệ hợp tác Ấn Độ - Trung Quốc trong tương lai.