11:09 30/11/2012

Bước chạy đà cho cơ hội hòa bình Trung Đông

Mạng tin "Oil price" ngày 28/11 đặt câu hỏi, phải chăng sẽ có một giai đoạn yên ả sau bão tố tại Trung Đông? Sau một tuần đầy biến động của cuộc xung đột tổng lực giữa Ixraen và Hamas, hiện có những cơ hội thực sự cho hòa bình.

Mạng tin "Oil price" ngày 28/11 đặt câu hỏi, phải chăng sẽ có một giai đoạn yên ả sau bão tố tại Trung Đông? Sau một tuần đầy biến động của cuộc xung đột tổng lực giữa Ixraen và Hamas, hiện có những cơ hội thực sự cho hòa bình. Tuy nhiên, hòa bình tại Trung Đông chỉ có thể đạt được nếu các cường quốc có khả năng và mong muốn kiến tạo hòa bình, chớp lấy đà vừa được tạo ra sau các cuộc xung đột khiến ít nhất 158 người Palextin và 6 người Ixraen thiệt mạng.


Dải Gaza tổn thất 300 triệu USD sau chiến dịch không kích 8 ngày trong tháng 11/2012 của Ixraen.


Bước chạy đà cho hòa bình tại Trung Đông đã có sau khi các bên đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn và các cuộc đàm phán không chính thức thông qua sự trung gian hòa giải của Ai Cập. Nhưng chỉ có Mỹ, với uy tín và sức mạnh của cường quốc số một thế giới, mới có thể lái dòng chảy ngầm này theo đúng hướng, đồng thời tập hợp, dỗ dành, vuốt ve và "nạt nộ" các bên đối địch nếu cần thiết.


Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện nay tại Ai Cập - nếu thành công - cũng sẽ chỉ giải quyết những quan ngại trước mắt của cả Ixraen và Hamas như củng cố thỏa thuận ngừng bắn, ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào Dải Gada và đảm bảo rằng các vụ xung đột tương tự sẽ không nổ ra. Tuy nhiên, một khi những vấn đề chủ chốt không được giải quyết, luôn có nguy cơ lớn là bạo lực sẽ lại bùng phát.


Thách thức thực sự là việc tìm ra một kế hoạch hòa bình toàn diện và có thể chấp nhận được, hướng đến giải quyết cuộc tranh chấp mang tính cốt lõi giữa Ixraen và Palextin - công thức để giải quyết xung đột và nguyên nhân một số cuộc chiến tranh tại Trung Đông. Những vấn đề cốt lõi bao gồm đường biên giới chính thức của nhà nước Palextin tương lai, quy chế của Giêruxalem và quyền trở về của những người tị nạn Palextin. Những vấn đề gai góc khác là việc Ixraen tiếp tục chiếm đóng các vùng đất của Palextin, việc cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palextin và việc thế giới Arập công nhận quyền tồn tại của Ixraen. Đó là những vấn đề phải được giải quyết.


Hầu như tất cả các tổng thống Mỹ kể từ thời Richard Nixon đều đã thử và thất bại trong việc mang lại hòa bình cho Trung Đông. Trừ Tổng thống Jimmy Carter, người đã giúp các bên đạt được thỏa thuận hòa bình Trại David, dẫn tới việc Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Ixraen, các tổng thống Mỹ còn lại chưa bao giờ có khả năng đạt được thành tựu gì lớn. Tuy nhiên, các mục tiêu lớn được bắt đầu bằng những bước nhỏ. Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama nên nối lại những nỗ lực mà ông đã bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất và cố gắng một lần nữa xây dựng hòa bình Trung Đông từ thỏa thuận ngừng bắn hiện nay.


Cuộc xung đột Hamas-Ixraen vừa qua chứng tỏ rằng Trung Đông hậu "Mùa xuân Arập" rất khác so với Trung Đông trước đây, giống như Tổng thống Hồi giáo mới của Ai Cập là ông Mohamed Morsi đã tuyên bố trên Đài truyền hình quốc gia rằng "Ai Cập ngày nay khác với Ai Cập ngày hôm qua". Mặc dù việc dự đoán tương lai chính trị của Trung Đông là một việc rất khó khăn, nhưng có một điều dường như chắc chắn là sẽ có thêm bạo lực và những thay đổi trong 12 tháng tới. 


Cuộc nội chiến đang diễn ra tại Xyri có thể lan sang quốc gia láng giềng Libăng; cuộc xung đột Ixraen-Hamas vừa qua tại Dải Gada đang củng cố sự đoàn kết của thế giới Arập, mà nhiều quốc gia Arập hiện có những ban lãnh đạo Hồi giáo mới - một việc hiếm hoi trước đây. Cuộc chiến tại Gaza cũng làm tăng lo ngại về một cuộc tấn công mới của Ixraen. Để trả đũa các vụ bắn rốckét của Hamas, Ixraen đã tổ chức một chiến dịch tấn công lớn, ném bom vào hàng trăm mục tiêu tại Gaza. Điều mà các phương tiện truyền thông thế giới ít đề cập khi nói về các hành động khủng bố của Hamas là Hamas sẽ không có lý do để có những hành động này nếu Ixraen không chiếm đóng các vùng đất của người Palextin và bao vây Dải Gaza.


Do vậy, cơ hội cho hòa bình là hiện hữu và không nên để lỡ. Việc không đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi lịch sử hiện nay sẽ là một sai lầm lớn. Điều đó đáng để thế giới - nhất là Mỹ - đầu tư thời gian và công sức.



Thanh Hoa