10:08 28/10/2012

Bức xúc nạn 'vàng tặc' ở Ngân Sơn

Ở Bắc Kạn, hiện tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép được ví như "căn bệnh kinh niên".

Căn bệnh kinh niên

Ở Bắc Kạn, hiện tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép được ví như "căn bệnh kinh niên".

Vào những tháng đầu và giữa năm 2012, nạn “khoáng tặc”, “lâm tặc” càng trở nên phức tạp và gây bức xúc với các vụ việc ở quặng sắt tại Kéo Lếch, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn; vàng thổ phỉ ở Ngân Sơn, Na Rỳ và gỗ nghiến ở Vườn Quốc gia Ba Bể.


Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị số 08 (2/7/2012) về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây huỷ hoại môi trường.



Một điểm khai thác vàng trái phép tại Ngân Sơn. Nguồn: congly.com.vn.



UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành để “dẹp” và ra 2 văn bản để làm cơ sở pháp lý thực thi là Kế hoạch ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép và Kế hoạch ngăn chặn lâm sản trái phép.

Các kế hoạch đều qui định rõ chức năng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn mình quản lý.

Việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, lâm sản có giảm đi, nhưng chỉ chưa đầy một tháng, ở Ngân Sơn, một huyện có nhiều vàng sa khoáng nhất Bắc Kạn đã lại xuất hiện "vàng tặc” với mức độ khai thác qui mô lớn với hàng chục máy xúc, dàn tuyển, sên, vòi nước...tham gia, bất chấp tại đây đã có tổ công tác của huyện đóng chốt.

Mới đây, khi có mặt tại các thôn Pác Đa, Nà Ránh, Nà Kịt, xã Thượng Quan (Ngân Sơn), chúng tôi vẫn thấy 3 lán trại, có máy xúc, giàn tuyển, vòi ống, máy nổ công suất lớn, nhiều thùng phuy xăng, dầu và các vật dụng khác phục vụ khai thác vàng trái phép, đào bới nhiều ha đất đồi rồi xả thẳng xuống suối, làm dòng nước mới trong lại được ít ngày, nay lại đục ngầu.

Việc khai thác trộm này chắc chắn đã diễn ra đã khá lâu, vì vào ngày 2/10, đoàn công tác liên ngành của tỉnh khi kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 3 máy xúc đang thực hiện hành vi khai thác vàng trái phép.

Còn tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Thượng Quan và Đức Vân, mặc dù không nhìn thấy máy xúc hoạt động, không có phương tiện và người khai thác, nhưng hàng nghìn m2 đất soi bãi, đất đồi, khu vực gần sông suối vẫn bị đào xới thành những ao, hố. Bên cạnh là vết bánh xích của máy xúc vẫn còn mới nguyên in trên đất. Dòng nước đục ngầu loang lổ vết dầu mỡ của máy nổ, máy xúc, giàn tuyển để ở gần đó vẫn còn chưa ráo nước.

Những hình ảnh đó cho thấy hiện tượng khai thác trái phép ở đây đã diễn ra khá nhiều ngày mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Ở khu vực này ô tô loại gầm cao vẫn đến được, và theo người dân thì lượng xe ra vào khá nhiều, nhưng các lực lượng chức năng, các tổ truy quét liên ngành vẫn “không biết”?

Mức độ vi phạm ngày càng lớn

Theo ông Hoàng Ngọc Ngự, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn, sau hơn hai tháng triển khai kế hoạch số 64 của huyện về việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép, đến nay tình trạng này lại xuất hiện ở một số xã như Đức Vân, Thượng Ân, Thuần Mang, Thượng Quan. Các điểm khai thác hiện nay chủ yếu là vùng có đường giao thông đi lại khó khăn, vùng sâu.

Đầu tháng 10 vừa qua, Phòng đã phối hợp với UBND huyện Na Rì kiểm tra khu vực giáp ranh, qua kiểm tra cho thấy quy mô hoạt động khai thác lớn, mức độ hủy hoại đất ven sông, suối lớn hơn nhiều lần so với trước đây, vì phương thức khai thác hiện nay là dùng máy xúc múc đất đồi nơi gần suối đổ thẳng vào giàn tuyển rồi sử dụng máy bơm nước có công suất lớn phụt nước trực tiếp vào giàn tuyển, sau đó xả ra sông, suối, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát của các tổ đội đóng tại các xã. Những xã để tái diễn hiện tượng khai thác trái phép, người đứng đầu sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.

UBND huyện Ngân Sơn đã có kế hoạch về việc kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép và xử lý các hộ gia đình, cá nhân xử dụng đất sai mục đích, hủy hoại đất trên địa bàn huyện Ngân Sơn.

Sau đó huyện đã ra Quyết định số 1263 về việc trưng tập cán bộ của các phòng ban chuyên môn, các ban xây dựng Đảng, Công an, Quân đội để tham gia 4 tổ kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác vàng trái phép và xử lý các hộ gia đình, cá nhân vi phạm tại các xã Cốc Đán, Bằng Vân, Thượng Quan, Thuần Mang, Hương Nê, Lãng Ngâm và thị trấn Nà Phặc.

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Hàng tháng, huyện phải chi hơn 40 triệu đồng để hỗ trợ, phụ cấp cho các tổ chốt tại địa bàn các xã. Tuy vậy thời gian gần đây hiện tượng khai thác vàng trái phép lại xuất hiện ở một số nơi, thuộc vùng sâu, vùng xa.

UBND huyện đã nắm được thông tin từ các tổ chốt đóng tại các xã trên. Trường hợp ở xã Thượng Quan, chính quyền địa phương và tổ chốt đóng tại xã để hiện tượng khai thác vàng trái phép xảy ra sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Hiện nay, trên địa bàn các xã Thuần Mang, Thượng Quan, Cốc Đán, Thượng Ân, hàng chục máy xúc, giàn tuyển và trang thiết bị vẫn nằm chờ bên cạnh đường hoặc gần khu dân cư, để nếu chính quyền, hoặc tổ chốt của huyện lơ là sẵn sàng hoạt động.

Chỉ thị, kế hoạch, quyết định đều đã ban hành, mọi cơ sở pháp lý đã đầy đủ nhưng “vàng tặc” vẫn diễn ra. Trong cuộc họp Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du đã phát biểu: Khi cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng phát huy tinh thần trách nhiệm thì hiện tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép giảm hẳn và thậm chí không còn hoạt động.Vậy mà tình trạng “vàng tặc” ở Ngân Sơn vẫn diễn ra...



NT-VL