06:09 22/06/2012

Bức tranh kinh tế toàn cầu ngày càng u ám

Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang có chiều hướng u ám hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhận định này là do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)...

Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang có chiều hướng u ám hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhận định này là do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà phục hồi không vững chắc của nền kinh tế Mỹ cộng với tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

 

Viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng u ám hơn do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ảnh: Internet


 

Theo kết quả thăm dò của hãng tin Reuters, công bố ngày 21/6, cho biết tháng Sáu vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động kinh tế nói chung của Eurozone bị sụt giảm, tác động mạnh tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp.

 

Chỉ số sản xuất và dịch vụ của Eurozone trong suốt 9 tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng Năm và tháng Sáu là 46,0% và 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nền hơn thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải có thêm các hành động để hỗ trợ kinh tế khu vực phát triển.

 

Chuyên gia kinh tế Peter Dixon thuộc Commerzbank nhận định: “Chúng ta đang ở trong thời điểm mà nền kinh tế đang ngày càng bị mất đà và rất khó khăn. ECB sẽ phải có thêm hành động, trong đó có thể có việc cắt giảm lãi suất”.


Hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đến tháng Sáu vừa qua là tháng thứ 6 liên tiếp bị sụt giảm, do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2012 của Trung Quốc dự báo sẽ là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%.

 

Xu hướng xấu hơn của nền kinh tế châu Âu và sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20/6 đã quyết định kéo dài chương trình "Operation Twist", theo đó tiếp tục mua trái phiếu dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014 để khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. FED cũng tuyên bố sẽ có thêm hành động nếu tình hình châu Âu diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn.

 

Ngân hàng đầu tư PMorgan Chase mới đây cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III/2012 xuống 2%, thay vì 3% như dự báo trước đây và tốc độ tăng GDP cả năm 2012 có thể chỉ đạt 2,1% so với dự báo 2,3% trước đây.

 

TTXVN/ Tin Tức