10:14 02/10/2012

Bức tranh kinh tế Eurozone: Gam màu sáng tối đan xen

Theo số liệu thống kê của Markit, mặc dù chưa đạt được ngưỡng tăng trưởng nhưng sản lượng của ngành công nghiệp chế tạo của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 đã phục hồi nhẹ do có sự cải thiện đáng kể ở một số nước thành viên.

Theo số liệu thống kê của Markit, mặc dù chưa đạt được ngưỡng tăng trưởng nhưng sản lượng của ngành công nghiệp chế tạo của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 đã phục hồi nhẹ do có sự cải thiện đáng kể ở một số nước thành viên.

Theo đó, chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong tháng 9 tăng lên 46,1 điểm từ 45,1 điểm trong tháng trước đó. Tuy nhiên, PMI vẫn dưới mốc 50 điểm, có nghĩa là hoạt động chế tạo của khu vực này vẫn nằm dưới ngưỡng tăng trưởng. Đây là tháng thứ 14 liên tiếp, sản lượng ngành chế tạo của Eurozone nằm dưới ngưỡng tăng trưởng.

Trong số các nước thành viên Eurozone, Cộng hòa Ailen và Hà Lan là hai nước duy nhất có sản lượng ngành chế tạo tăng. PMI của một số nước khác như Đức, Italia và Tây Ban Nha cũng có sự cải thiện đáng kể và đạt mức cao nhất trong vòng sáu tháng qua.

Trong khi đó, sản lượng ngành chế tạo trong tháng 9 của hai trong số ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Pháp và Anh lại có dấu hiệu sụt giảm. PMI ngành chế tạo của Pháp tụt xuống mức thấp kỷ lục 42,7 điểm, trong khi PMI ngành chế tạo của "xứ sở sương mù" cũng giảm xuống 48,4 điểm từ mức 49,6 điểm hồi tháng 8.
Nhà kinh tế trưởng của Markit, Chris Williamson, cho biết mặc dù sản lượng ngành công nghiệp phục hồi nhẹ trong tháng 9 nhưng quý III/2012 là quý tồi tệ nhất trong ba năm trở lại đây đối với các nhà chế tạo trong khu vực. Nhu cầu trong nước đối với sản phẩm ngành chế tạo ở các quốc gia thành viên Eurozone đã giảm đáng kể, trong khi các đơn đặt hàng cho xuất khẩu cũng tiếp tục xu hướng sụt giảm.

Đây là tháng thứ tám liên tiếp ngành chế tạo ở Eurozone phải cắt giảm việc làm và là lần đầu tiên giá vật liệu đầu vào tăng lên trong vòng bốn tháng qua. Ông Williamson cho rằng sản lượng ngành chế tạo sụt giảm có thể cản trở tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ khi được hình thành Eurozone phải đối phó với nạn thất nghiệp đang lan rộng: 11,4% dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm. Đây là hậu quả của chính sách khắc khổ đồng loạt được áp dụng tại 17 nước thành viên và Brúcxen đau đầu với con số gần 18,2 triệu người không có việc làm.

Trong bối cảnh các làn sóng phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng do châu Âu áp đặt đang lan rộng, áp lực giải quyết việc làm cho 11,4% dân số trong tuổi lao động của khu vực lại càng thêm cấp bách. Một năm qua, trong toàn khối euro đã có thêm 2,4 triệu người bị mất việc. 25% dân số Tây Ban Nha trong tuổi lao động không có việc làm. Hy Lạp đang bước sang năm thứ sáu bị suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 24,4%. Tại Pháp, số người bị gạt ra ngoài thị trường lao động đã vượt ngưỡng tâm lý 3 triệu. Đây là “thành tích” tồi tệ nhất kể từ năm 1993 tới nay.

Hãng tin AFP lưu ý rằng đây là tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục kể từ khi khối euro được hình thành. Đáng lo ngại hơn nữa là không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động của Eurozone hy vọng được cải thiện trong những tháng tới.

Cơ quan tư vấn kinh tế IHS Global Insight dự báo kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục sa sút trong 6 tháng cuối năm. Kéo theo đó là hậu quả tai hại đối với người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu có nguy cơ tăng lên tới 12% vào năm 2013. Lạm phát có xu hướng gia tăng (chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,7% trong tháng 9/2012) cộng thêm với đe dọa thất nghiệp, sẽ khiến các hộ gia đình thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Mức tiêu thụ của châu Âu sẽ sụt giảm và sẽ càng khiến kinh tế của toàn khối co lại.


Huy Hiệp (P/v TTXVN tại Luân Đôn)