04:06 09/04/2015

Bữa cơm bán trú vùng cao

Xa nhà, xuống núi học chữ và ở lại nhà bán trú đến cuối tuần mới “ngược sơn” về thăm nhà, những đứa trẻ người Mông, người Dao, người Tày trên núi cao Tây Bắc thấy mình tự tin, trưởng thành và em nào cũng thấy yên tâm ở lại trường khi được nhà trường tổ chức nấu ăn hằng này.

Xa nhà, xuống núi học chữ và ở lại nhà bán trú đến cuối tuần mới “ngược sơn” về thăm nhà, những đứa trẻ người Mông, người Dao, người Tày trên núi cao Tây Bắc thấy mình tự tin, trưởng thành và em nào cũng thấy yên tâm ở lại trường khi được nhà trường tổ chức nấu ăn hằng này. Vốn nhút nhát, ít nói và ngại va chạm khi mới ở trên núi xuống nhưng khi được chăm lo với những điều kiện ăn ở tại khu nhà bán trú và đặc biệt, được hòa đồng với các bạn cùng trang lứa, tất cả những gì gọi là nhút nhát hay mặc cảm đã được xóa bỏ.

Những năm học gần đây, học trò vùng cao Tây Bắc được sống và học tập trong sự ấm áp bởi sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các em được ăn, ở tại nhà bán trú để yên tâm học tập. Mỗi bữa cơm nóng hổi trở thành động lực khuyến khích học trò vùng cao Tây Bắc xuống núi học chữ.

Giờ học trò không phải khăn gói, đùm rau, đùm gạo, vác củi xuống trọ học một cách gian khó nhọc nhằn như trước nữa, giờ các em được ở trong những căn nhà bán trú vững chãi, được nhà trường tổ chức nấu ăn từng bữa trong ngày vừa nóng sốt, vừa đảm bảo. Vì thế, phụ huynh học sinh cũng yên tâm cho con em mình xuống núi học chữ.

Chẳng thế mà, người Tày, người Dao, người Mường và người Mông từ bao đời nay “thủy chung” với những đỉnh núi cao vời vợi, nơi trẻ em trước đây phải lặn lội xuống núi học chữ cùng những nhọc nhằn khó nói thành lời. Giờ đây, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội qua những bữa cơm bán trú là nơi giữ chân học trò với con chữ.

Hầu hết các nhà trường đều tổ chức nấu cơm cho các em ăn. Đồng thời hướng dẫn các em ăn ở vệ sinh, trồng rau, nuôi heo để vừa có thêm nguồn thức ăn, vừa giáo dục và dạy các em công việc lao động hằng ngày. Tan học, các em ùa về khu bếp ăn để nhận khẩu phần. Bát cơm của các em tuy đơn sơ nhưng có trứng, có cá, canh rau và các em ăn được no hơn. Nhìn học trò vùng cao Tây Bắc với khuôn mặt rám nắng cùng đôi mắt sáng ngời, chúng tôi thầm hiểu con chữ nơi các bản xa đã tìm được nơi neo đậu. “Được ở bán trú chúng em vui lắm, nhà trường tổ chức nấu cơm cho chúng em ăn hằng ngày. Giờ chúng em rất yên tâm học tập tại trường", đó là những lời tâm sự mộc mạc mà cảm động mà chúng tôi lắng nghe được từ học trò vùng cao Tây Bắc. Bữa cơm bán trú ở vùng cao đã hun đúc sự chung tay và những tình cảm tốt đẹp của thầy cô và toàn xã hội đối với những ước mơ con chữ “mọc mầm” từ chốn mờ sương.

Con chữ vùng cao Tây Bắc sẽ thêm ấm lòng và tìm được nơi “neo đậu” khi mô hình trường bán trú được mở ra. Bữa cơm bán trú của mô hình ấy đặc biệt có ý nghĩa đối với những mầm non tương lai của núi rừng. Ngôi nhà thứ hai của các em sẽ cho các em thêm ấm những bước chân vui.

Nguyễn Thế