07:07 10/07/2014

Brazil, trong nỗi bẽ bàng lịch sử

Không, đấy không phải Brazil nữa, không phải là đội bóng mà người ta chờ đợi, mong ngóng và hy vọng vào một chiến dịch huy hoàng. Chỉ còn màu áo của họ là vàng. Còn lại, tất cả là đen tối và buồn thảm.

Không, đấy không phải Brazil nữa, không phải là đội bóng mà người ta chờ đợi, mong ngóng và hy vọng vào một chiến dịch huy hoàng. Chỉ còn màu áo của họ là vàng. Còn lại, tất cả là đen tối và buồn thảm.


Mineirazo


Có mặt ở “pais do futebol” (đất nước của bóng đá) vào đúng lúc họ thảm bại mới hiểu được nỗi đau lớn đến mức nào. Không phải là người Brazil không hình dung ra một lúc nào đó đội bóng của Luiz Felipe Scolari sẽ không thắng nữa. Những trận đấu chật vật từng đẩy cả quốc gia vào căng thẳng tột độ đã là những dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ cho một thất bại không tránh khỏi, nhưng họ cứ gạt đi và cầu Chúa để điều đó không xảy ra. Vô ích. Nó vẫn đến và đến một cách bẽ bàng, sốc, nặng nề, xấu hổ, đau đớn, buồn bã, không thể tưởng tượng nổi.

 

Một World Cup nhiều nước mắt nhất của Brazil.


Người Brazil mô tả thất bại trước Uruguay ở chung kết World Cup 1950 là một thảm họa không khác gì vụ ám sát JFK trong lịch sử nước Mỹ, hay vụ hai quả bom nguyên tử rơi xuống nước Nhật năm 1945. Ngày hôm ấy, những sai lầm của thủ môn Moacyr Barbosa đã khiến ông đi vào lịch sử như là một kẻ tội đồ, một con quỷ Satan khiến Brazil thất trận. Trước khi mất, Barbosa vẫn nhắc lại câu chuyện, rằng một lần ra đường, 30 năm sau trận thua ấy, có người đã chỉ thẳng vào ông và sau đó nói với con trai mình, rằng “đây chính là người đã khiến Brazil thua ở Maracana”.


Maracanazo, thảm họa Maracana, bây giờ có lẽ sẽ nhường chỗ cho Mineirazo, thảm họa ở sân Mineirao và ngày 16/7/1950 sẽ lùi vào lịch sử để nhường chỗ cho ngày 8/7/2014.


Brazil đã mất 8 năm để xóa đi cơn ác mộng Maracana 1950 bằng chức vô địch World Cup 1958. Brazil bây giờ sẽ mất bao năm và bao thế hệ để đẩy lùi trận thua đậm nhất trong lịch sử của họ trên sân nhà, trong một World Cup tưởng như được tổ chức và sắp xếp cho họ đăng quang? Không ai biết được, nhưng những ai đã có mặt ở Mineirao và những người Brazil đã xem trận đấu trên ti vi có lẽ đến chết cũng không quên được những cảm giác bẽ bàng mà họ và cả đất nước này đã trải qua trong đêm đại bại.


Khủng hoảng toàn tập


Đối với người Brazil, thất bại này quá nặng nề, không chỉ vì bóng đá, mà đấy là một cú đấm mạnh vào niềm tự hào và cả dạ dày của họ. Đất nước đã chi ra rất nhiều tỷ USD cho một giải đấu, với hy vọng World Cup sẽ đưa hình ảnh tích cực của họ đi khắp thế giới, trong khi đội tuyển sẽ đoạt Cúp vàng. Nhưng World Cup không hẳn là một thành công như Brazil mong đợi. Cái chết của 2 người và hàng chục người khác bị thương sau khi một cây cầu thi công cho World Cup ở Belo Horizonte sập xuống đã khiến nhiều người bị sốc. Chấn thương của Neymar trước ngưỡng cửa bán kết làm cả một quốc gia lo ngại. Và rồi, trận thua 1 - 7 ập đến như một cơn sóng thần cuốn đi tất cả những hy vọng, ảo mộng, mơ ước của cả một quốc gia lăn theo trái bóng tròn.


20 năm kể từ ngày một tai nạn khủng khiếp cướp đi của họ tay đua Công thức 1 Ayrton Senna, người Brazil mới lại rơi vào nỗi buồn lớn đến như thế. Sau thất bại, là trở về với những vấn đề thường nhật: Khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp và nỗi xấu hổ vì bị làm nhục ngay trên đất nước mình, nỗi nhục từ bóng đá, một tôn giáo ở Brazil.


Tôi viết bài này bên hè đường của Belo Horizonte sau trận đấu. Đường sá vắng tanh. Thỉnh thoảng có một cổ động viên buồn bã đi qua. Nhưng họ không khóc. Họ sốc đến mức không khóc nổi, hoặc nếu có khóc thì nước mắt cũng đã khô rồi. Thỉnh thoảng một tiếng pháo vang lên, rồi tiếng xe cảnh sát, xe cứu thương. Khu trung tâm im ắng như có tang. Các cửa hàng đóng cửa từ chiều. Tất cả cố thủ ở nhà, với nỗi buồn phải rất lâu nữa mới lắng dịu. Bên tai tôi vang lên câu hát của Crowded House, “Don’t dream, it’s over” (Đừng mơ nữa, tất cả đã hết rồi)...

Chưa bao giờ Brazil lại phải hứng chịu nhiều bàn thua trong một trận đấu tại vòng chung kết World Cup như vậy. Kỷ lục ghi bàn vào lưới Brazil trước đây thuộc về Ba Lan, khi hai đội gặp nhau tại vòng bảng World Cup năm 1938, với kết quả 6 - 5 nghiêng về Brazil. Trong lịch sử World Cup, cũng chưa có trận bán kết nào có kết quả chênh lệch như trận Brazil - Đức. Trước đây từng có 3 trận kết thúc với tỷ số 6 - 1 là các cuộc chạm trán Uruguay - Nam Tư (cũ) và Argentina - Mỹ năm 1930 và Đức - Áo năm 1954.


Trương Anh Ngọc (Đặc phái viên TTXVN, từ Belo Horizonte)