07:06 17/07/2014

Brazil chạy marathon từ World Cup đến Olympic

Brazil đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ việc sử dụng các sân bóng World Cup sao cho hiệu quả, cho đến việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic trong 2 năm nữa.

Brazil đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ việc sử dụng các sân bóng World Cup sao cho hiệu quả, cho đến việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic trong 2 năm nữa.


Những sân bóng “bỏ hoang”


Ngay sau khi World Cup 2014 hạ màn, 4 sân bóng mới trị giá 1,6 tỷ USD bị đặt vào tình trạng báo động. Tại thành phố Cuiaba ở miền Tây, cổ động viên Chile và Colombia đã phủ kín sân Arena Pantanal có sức chứa 40.000 chỗ trong thời gian World Cup. Nhưng bây giờ, trận đấu lớn sắp tới ở đây là cuộc đối đầu Cuiaba - Paysandu tại Serie C của Brazil (hạng 3) ngày 20/7 và con số mà các nhà tổ chức hy vọng là 4.000 fan. Thực tế này cũng đang chờ đợi 3 sân bóng khác được xây dựng phục vụ World Cup, đó là các sân ở Brasilia, Manaus và Natal.

 

Một cổ động viên tại sân Maracana, sau trận chung kết World Cup 2014.Ảnh: zimbio


Không thành phố nào nói trên có một đội bóng danh tiếng, đồng nghĩa với việc sẽ không có những sự kiện thể thao đều đặn được tổ chức để lấp đầy các khán đài, nhằm có nguồn thu cho việc duy tu, bảo dưỡng sân. Những cuộc biểu tình phản đối của người dân Brazil trong suốt 1 năm qua, kể từ thời điểm Confederations Cup 2013, không phải là không có lý do: 1,6 tỷ USD chi cho việc xây mới 4 sân bóng này đã có thể được dùng xây dựng trường học, bệnh viện hay các mạng lưới giao thông công cộng.

Tại World Cup 2014, Brazil đã chi khoảng 4 tỷ USD cho việc xây mới và cải tạo 12 sân vận động. Theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Đại học Sao Paulo, tổng chi phí cho World Cup là khoảng 13,4 tỷ USD.


Trong số các sân bóng phục vụ World Cup 2014, sân vận động quốc gia ở Brasilia có chi phí xây dựng cao nhất (900 triệu USD), chỉ sau sân Wembley ở London (Anh) ở tầm cỡ thế giới. Nhưng Brazil cũng không cần phải có tới 12 sân bóng để tổ chức World Cup, do Liên đoàn Bóng đá thế giới chỉ đưa ra yêu cầu tối thiểu là 8 sân.


Victor Matheson, nhà kinh tế học thể thao thuộc Trường Holy Cross ở Worcester (Massachussetts, Mỹ), đánh giá: “Điều tồi tệ hơn việc chi từng ấy tiền cho một sân vận động, đó là chi tiền vào một sân bóng sẽ không được sử dụng”.


4 sân bóng trên được mô tả như những sân khấu khổng lồ đa năng, có thể tổ chức các sự kiện văn hóa và xã hội. Mauricio Guimaraes, người điều hành dự án World Cup ở Cuiaba, tuyên bố rằng sân này có thể mở cửa cho các hội chợ nông nghiệp, những sự kiện thương mại và “có thể tạo cơ hội quảng bá cho các đội bóng hạng 3, hạng 4”.


Tại Natal, sân này sẽ tổ chức một trận Serie B trong tuần tới, giữa America và Bragantino, dưới ánh mắt tò mò của khoảng 3.000 người. Tình hình cũng tương tự ở Manaus và Brasilia. Đó là một sự lãng phí lớn từ việc tạo nên những “con voi trắng” - theo thuật ngữ của các nhà kinh tế, khi những khoản đầu tư khổng lồ không đem lại lợi ích tương xứng.


“Ưu tiên tuyệt đối” Rio 2016


Thế nhưng, World Cup khép lại không đồng nghĩa với việc Brazil dừng xây dựng cơ sở vật chất và các công trình thể thao. Rất nhiều hạng mục tại Rio de Janeiro cần phải hoàn tất để kịp phục vụ Olympic 2016 (từ ngày 5 - 21/8).


Theo kế hoạch, các môn thi đấu của Olympic sẽ được tổ chức ở khu vực du lịch phía nam Rio, khu vực tập trung dân cư phía bắc và vùng đất mở rộng hiện đại Barra da Tijuca, cách trung tâm Rio khoảng 30 km.


Lo ngại lớn nhất hiện nay của các nhà tổ chức nằm ở công viên Olympic Deodoro (phía bắc). Tháng 4 vừa qua, Thị trưởng Rio Eduardo Paes thừa nhận: “Deodoro đang ở trong tình trạng báo động đỏ”. Công việc xây dựng, cải tạo địa điểm này đáng ra phải được bắt đầu trong năm 2013, nhưng bị trì hoãn cho tới ngày 3/7 vừa qua. 3 nhà thi đấu được thừa hưởng từ Đại hội thể thao châu Mỹ Pan America 2007 cần phải được cải tạo: Trường bắn quốc gia, Trường đua ngựa quốc gia và Cung thể thao dưới nước. 4 công trình khác (vĩnh cửu hoặc tạm thời) cũng cần được xây dựng. Việc bàn giao các công trình này đúng hạn, vào quý I của năm 2016, đang là một thách thức lớn.


Ở phía bên kia của thành phố, sân Maracana (bóng đá) đã được vận hành tại World Cup, nhưng sân Olympic Joao Havenlange (điền kinh) đã đóng cửa và được sửa chữa từ hơn 1 năm qua. Rồi còn có vấn đề ô nhiễm ở vịnh Guanabara, nơi sẽ diễn ra các cuộc thi đấu thuyền buồm. Hàng nghìn lít nước sinh hoạt được xả thẳng ra đây mỗi ngày mà không qua bất cứ xử lý nào.


Cuối tuần trước, sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach tại Brasilia, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định, Olympic sẽ là một “ưu tiên tuyệt đối” của Brazil kể từ ngày 14/7, tức là ngay sau trận chung kết World Cup 2014.


Tổng cộng, 27 dự án cần phải được triển khai, từ cải tạo cơ sở hạ tầng, cho đến xây dựng tuyến 4 tàu điện ngầm nối phía nam Rio với Barra da Tijuca, những hệ thống xe buýt nhanh (BRT)… Cách công viên Olympic Barra khoảng 1 km, 31 khu nhà của làng vận động viên đã xây dựng được 40%. Trên 5.000 công nhân đang làm việc tại đây mỗi ngày.


Olympic 2016 dự kiến sẽ tiêu tốn của Brazil khoảng 16,3 tỷ USD, nhưng con số thực chỉ được sáng tỏ sau giải đấu. Dù sao, con số cơ bản đó cũng đã cao hơn 1 tỷ USD so với Olympic London 2012.


Bảo An