10:02 02/10/2012

Braxin “len chân” vào châu Phi

Trang mạng "Aljazeera" ngày 30/9/2012 đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Nikolas Kozloff cho rằng sẽ đến một ngày Braxin thách thức Trung Quốc trong việc cạnh tranh khai thác các hầm mỏ rộng lớn, cũng như các thị trường hàng hóa tại châu Phi.

Trang mạng "Aljazeera" ngày 30/9/2012 đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Nikolas Kozloff cho rằng sẽ đến một ngày Braxin thách thức Trung Quốc trong việc cạnh tranh khai thác các hầm mỏ rộng lớn, cũng như các thị trường hàng hóa tại châu Phi.


 

Nông nghiệp là thị trường hợp tác tiềm năng cho Braxin và châu Phi.

 

Theo bài báo, mặc dù người ta đã tốn nhiều giấy mực để viết về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, song không hiểu sao các nhà bình luận lại ít viết về một quốc gia đang nổi lên như một đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Braxin dưới thời Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cũng như đương kim Tổng thống Dilma Rousseff đã thể hiện một chính sách hướng mạnh vào châu Phi, có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn trong tương lai.


Quan ngại trước việc cuộc khủng hoảng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu có thể đe dọa tình hình tài chính nước này, Tổng thống Dilma Rousseff đã nhắm đến châu Phi như một mục tiêu có tầm quan trọng đặc biệt. Mới đây, bà đã công du Nam Phi, Môdămbích và Ăngôla trong một nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với châu lục.


Sự sốt sắng của bà Rousseff không có gì mới. Dưới thời người tiền nhiệm Lula da Silva, Braxin đã mở tới 17 đại sứ quán tại các nước châu Phi. Các tập đoàn lớn của quốc gia Nam Mỹ này cũng đã có mặt tại một nửa số quốc gia trên châu lục, tập trung vào các lĩnh vực như: khai khoáng, năng lượng, thăm dò dầu khí và nông nghiệp nhiệt đới...


Quan hệ mậu dịch của Braxin với châu Phi thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, kim ngạch từ mức 4 tỷ USD năm 2000 lên 27 tỷ USD năm 2011. Trong lĩnh vực đầu tư, Ngân hàng Phát triển nhà nước Braxin (BNDES) có kế hoạch tăng cường đầu tư tài chính cho các dự án ở châu Phi. Đứng thứ 8 thế giới trong lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn năng lượng hùng mạnh do nhà nước quản lý Petrobras - nơi bà Rousseff từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị - đang hoạt động ở 28 nước châu Phi. Ở khu vực Tây Phi, mục tiêu chính của Petrobras là tìm kiếm nguồn dầu thô nhẹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội khai thác ở vùng nước cực sâu mà họ rất có thế mạnh.


Không giống như Trung Quốc, nước đang phải đấu tranh để giành giật tài nguyên cho công cuộc phát triển, Braxin hiện là nước khá giàu tài nguyên và là một nước xuất khẩu dầu lửa lớn của thế giới. Braxin coi châu Phi như một phương tiện để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình trong các lĩnh vực như thực phẩm, giống cây trồng và nông cụ trong khi quốc tế hóa sản phẩm của các tập đoàn chủ chốt của mình, như tập đoàn dầu lửa và nhiên liệu sinh học Petrobras và tập đoàn khai khoáng Vale. Khi đầu tư vào châu Phi, Braxin nhấn mạnh cam kết đối với quyền lợi của người lao động, một vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh.


Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Braxin nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng quan hệ công chúng một cách khôn ngoan. Cựu Tổng thống Lula da Silva từng nói: "Châu Phi không thể bị nhìn nhận như trước đây, tức chỉ là một nguồn cung cấp khoáng sản và khí đốt. Chúng tôi phải tìm các đối tác châu Phi. Chúng tôi không muốn bá quyền mà chỉ muốn các đồng minh chiến lược". Trong khi đó, giới kinh doanh Braxin cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách bền vững về xã hội và môi trường. Tổng Giám đốc Tập đoàn khai khoáng Vale phát biểu: "Chúng tôi cần tăng cường đối thoại với người địa phương, bởi chúng tôi không muốn bị coi là một thế lực đế quốc".


Để thể hiện rằng người Braxin không chỉ đến châu Phi để làm ăn, bà Rousseff đã đề xuất với các nước trong châu lục một chương trình xã hội mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân. Chẳng hạn, đối với Môdămbích, Braxin đã cung cấp dịch vụ chăm sóc và thuốc men giá rẻ để điều trị HIV/AIDS và các bệnh nhiệt đới khác mà họ có thế mạnh, đồng thời cung cấp nhiều học bổng cho các sinh viên theo học tại các trường đại học ở nước này.


Ảnh hưởng về mặt văn hóa của châu Phi đối với Braxin là rất lớn, bởi có tới gần 90% dân số Braxin có nguồn gốc Phi. Trong thời kỳ thực dân, nô lệ châu Phi từ Ăngôla, Cônggô và Môdămbích bị đưa tới cảng Rio de Janeiro, và họ đã mang đến miền đất mới cả tôn giáo, âm nhạc, các điệu múa và phong cách ẩm thực. Đều phải chịu thân phận nô lệ, đói nghèo và áp bức, Braxin và châu Phi luôn chia sẻ di sản lịch sử chung của họ. Tổng thống Lula da Silva từng phát biểu cách đây chưa lâu: "Đã đến lúc Braxin phải trả món nợ khổng lồ cho châu Phi. Máu người Phi đã thấm đẫm các đồn điền Braxin...". Thế nhưng, quốc gia Nam Mỹ này cho đến nay dường như vẫn chưa quyết định xem phải trả món nợ đó như thế nào, và vì thế, có lẽ họ sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại hướng tới một chương trình xã hội công bằng và thân thiện hơn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tìm kiếm lợi ích về mặt kinh tế.


Minh Đức