06:16 08/06/2015

BOT tạo diện mạo mới cho giao thông

Hàng loạt các dự án giao thông vốn BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được đưa vào khai thác đều đúng, vượt tiến độ thi công nhiều tháng và được bảo hành chất lượng từ 4 -5 năm. Điều này cho thấy hiệu quả của chủ trương thu hút vốn xã hội hóa xây dựng hạ tầng của ngành Giao thông.

Hàng loạt các dự án giao thông vốn BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được đưa vào khai thác đều đúng và vượt tiến độ thi công nhiều tháng và được bảo hành chất lượng từ 4 -5 năm. Điều này cho thấy hiệu quả của chủ trương thu hút vốn xã hội hóa xây dựng hạ tầng của ngành Giao thông.

Hết cửa cho nhà đầu tư làm ẩu

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT - Bộ GTVT) thống kê: Đã có 20 công trình giao thông xây dựng bằng hình thức BOT được Bộ GTVT đưa vào khai thác. Tất cả các công trình đều cán đích vượt tiến độ; đồng thời được nhà đầu tư cam kết bảo hành chất lượng công trình từ khi đưa vào khai thác 4 - 5 năm.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác giúp giảm thời gian di chuyển từ 7 xuống còn khoảng 3 tiếng.


Tháng 7/2014, ngay khi phát hiện tình trạng thi công yếu kém của các nhà thầu tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn Buôn Hồ - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã lập tức yêu cầu nhà đầu tư Quang Đức thay thế toàn bộ nhà thầu của dự án bằng các đơn vị thi công khác có năng lực và kinh nghiệm hơn. Điều này đã góp phần đưa dự án cán đích ngày 30/4 vừa qua, vượt tiến độ 6 tháng và được nhà đầu tư cam kết bảo hành 4 năm.

“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa mới có những con đường hiện đại. Hình thức đầu tư BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế vào xây dựng hạ tầng”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Trước năm 2011, khi các công trình giao thông vốn ngân sách Nhà nước thường xuyên bị chậm tiến độ như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, QL14 qua Tây Nguyên, Pháp Vân - Cầu Giẽ... phần lớn “đói” vốn, dẫn đến tình trạng các dự án thi công “chây ỳ”, nhằm kéo dài thời gian để tăng vốn “trượt giá”. Bộ GTVT đã tạo mọi điều kiện mời các nhà đầu tư BOT vào thi công khắc phục tiến độ, chất lượng. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khi các doanh nghiệp BOT sẵn sàng cam kết bỏ tiền đầu tư vào các công trình giao thông, thì dự án sẽ chạy “băng băng”, đi liền với chất lượng được đo đếm rõ ràng.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT Phan Quang Hiển, việc quản lý tiến độ, chất lượng các dự án BOT được Bộ GTVT quy định thực hiện chặt chẽ từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công... Quy định này được ví như chiếc “gậy” để đại diện cơ quan Nhà nước của Bộ GTVT tại các dự án BOT kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tiến độ và chất lượng các công trình.

Thực tế chứng minh, các nhà đầu tư dự án BOT QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, QL1 đoạn Vinh - Bến Thủy... đã phải tự bỏ kinh phí để sửa chữa, khắc phục và bị dừng thu phí trong thời gian khắc phục mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe trong quá trình khai thác. Do đó, việc coi trọng và nâng cao chất lượng công trình là xu thế tất yếu của các nhà đầu tư BOT giao thông hiện nay.

“Khi nhà đầu tư đã bước chân vào sân chơi BOT, nếu muốn có hiệu quả, bắt buộc phải tính toán hợp lý để tiết kiệm chi phí do trượt giá vật liệu trong quá trình thi công, lãi suất tín dụng… Điều này đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng hoàn thành công trình”, ông Phan Quang Hiển cho hay.

Người dân được hưởng lợi

“Được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã hoàn thành vào đầu năm 2015 chỉ sau gần hai năm triển khai. Trước đây, đi từ Vinh ra Hà Nội phải mất cả ngày, nhưng từ khi dự án hoàn thành, tuyến đường đã rút xuống chỉ còn khoảng bốn giờ. Đây là chìa khóa mở toang cánh cửa giúp Nghệ An đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa chia sẻ.

Dự án BOT cầu Cổ Chiên vừa được Bộ GTVT đưa vào khai thác, rút ngắn được 70 km đường từ tỉnh Trà Vinh đi TP Hồ Chí Minh. Vì đường tốt, chạy tốc độ tối ưu, nên các phương tiện sẽ tiết kiệm xăng dầu, giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện... Chưa kể những lợi ích không định lượng được như: Tiết kiệm thời gian, độ an toàn và sức khỏe của người vận hành phương tiện…

Hai cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sau khi đưa vào khai thác gần 1 năm, các doanh nghiệp vận tải đều ghi nhận thời gian lưu thông giảm một nửa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trong khi chi phí thực tế giảm tới 30%. Bên cạnh đó, hình ảnh quốc gia đẹp, an toàn hơn trong mắt du khách và thu hút môi trường đầu tư kinh doanh cho các địa phương không hề nhỏ...

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Ngành Giao thông đã cố gắng giải bài toán quá hóc búa giữa yêu cầu cấp bách phải có một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại từ nay đến năm 2020, trong điều kiện vốn ngân sách hạn hẹp. Nhờ có vốn BOT, để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam hiện đã tăng 29 bậc so với năm 2010 (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), từ vị trí 103 lên vị trí thứ 74). Đây cũng là một yếu tố giúp tăng sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế.
Tiến Hiếu