01:11 29/01/2011

Bóng hồng Braxin thử sức

Đúng vào ngày thế giới bước sang năm mới 2011, ngày 1/1/2011, nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Braxin, bà Dilma Rousseff sẽ chính thức nắm quyền điều hành đất nước.

Đúng vào ngày thế giới bước sang năm mới 2011, ngày 1/1/2011, nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Braxin, bà Dilma Rousseff sẽ chính thức nắm quyền điều hành đất nước.

Với một di sản là những thành tựu khổng lồ của người tiền nhiệm, chắc chắn trách nhiệm của bà Rousseff sẽ là không nhỏ trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Ngay từ khi vận động tranh cử, nữ chính khách này đã nhận ra rằng để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử được coi là “tiết kiệm giấy mực” nhất của báo giới trong và ngoài nước này, chiến lược xuyên suốt là tiếp nối con đường hợp lòng dân mà Tổng thống Lula da Silva - người mà bà cho là đã đặt nền móng cho một “Braxin mới”- khởi xướng và thực thi hiệu quả trong 8 năm qua.

Bà Dilma Rousseff chia sẻ niềm vui đắc cử Tổng thống Braxin với những người ủng hộ.

Theo giới phân tích, để có thể tiếp nối những thành tựu về kinh tế - xã hội cũng như tăng cường vị thế của Braxin trên trường quốc tế, bà Rousseff sẽ phải tiếp tục duy trì những chính sách kinh tế của ông Silva, vốn giúp nền kinh tế Braxin liên tục đạt mức tăng trưởng 5%/năm (trừ năm 2009), là một trong những nước ít bị tác động và phục hồi nhanh nhất sau những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như đưa 22 triệu dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, 31 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, và chính sách trợ giúp của chính phủ trong các lĩnh vực lương thực, y tế, xây dựng, phát triển nông nghiệp hộ gia đình đã làm lợi cho hàng triệu người tại quốc gia đông dân này trong 8 năm qua.

Không chỉ vậy, bà sẽ phải kiên định với 4 bí quyết mà bà từng chỉ ra trong định hướng “phát triển kinh tế kết hợp hội nhập xã hội” của Braxin, đó là: giữ vững ổn định kinh tế, đặc biệt thông qua các chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát; mở rộng thị trường nội địa với các chính sách hướng tới phân chia của cải công bằng hơn giữa các tầng lớp xã hội và các vùng, miền; tăng cường hội nhập quốc tế với trọng tâm hướng vào các nước trong khu vực và các nước đang phát triển; tăng ngân sách đầu tư vào các công trình công cộng và công nghiệp trong nước.

Bà Dilma Rousseff, 62 tuổi, là một nhà kinh tế học. Bà từng tham gia phong trào đấu tranh vũ trang chống lại chế độ độc tài quân sự tại Braxin trong hơn 2 thập kỷ (1964 - 1985). Bà cũng được đánh giá là nhà quản lý nhiều kinh nghiệm khi đứng đầu các sở kinh tế và năng lượng của bang Rio Grande do Sul, đảm nhiệm các cương vị Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng (2003 – 2005) và Phụ trách Nội các (2005 – 2009).

Về đối nội, bà Rousseff cam kết sẽ chú trọng hơn tới các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm các trọng tâm cụ thể như cải cách bộ máy và thủ tục hành chính, tăng mạnh đầu tư công vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, phổ cập dịch vụ y tế và vệ sinh, tiếp tục chương trình xây nhà ở cho người nghèo, đồng thời cải thiện hệ thống giao thông và tình trạng an ninh đô thị để chuẩn bị cho các sự kiện thể thao toàn cầu.


Đây không phải là nhiệm vụ quá khó bởi bà được coi là một chuyên gia kinh tế và nắm vững hoạt động của bộ máy Nhà nước, do đã từng nắm cương vị quan trọng trong nội các. Thêm vào đó, liên minh cầm quyền tương lai của bà sẽ chiếm đa số tại quốc hội lưỡng viện – yếu tố then chốt để thông qua các chính sách điều hành đất nước.

Về đối ngoại, giới phân tích dự đoán bà Rousseff sẽ duy trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, luôn ưu tiên đối thoại và tránh đối đầu, nhằm đảm bảo hình ảnh “cường quốc hòa bình và sinh thái” của Braxin. Trong những năm qua, Braxin luôn đi đầu trong các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tự cam kết cắt giảm 36-29% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020, so với mức của năm 1990, cao hơn cam kết của nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, Braxxin còn tích cực kêu gọi cải tổ (nhưng không xóa bỏ hay làm giảm vai trò) của các thể chế toàn cầu, và luôn phát huy vai trò trung gian hòa giải quốc tế - kể cả trong các vấn đề gai góc như phát triển năng lượng hạt nhân.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, trên cương vị là Tổng thống nước chủ nhà, bà Rousseff sẽ phải thể hiện vai trò lãnh đạo khi Braxin đăng cai liên tiếp 2 sự kiện thể thao lớn của hành tinh là Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup) 2014 và Thế vận hội (Olympic) 2016. Đây được coi là “cơ hội kép” để bà vừa thể hiện khả năng của mình và vừa nâng cao vị thế của Braxin trên trường quốc tế cũng như giúp quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào giao thông, cơ sở hạ tầng, du lịch, truyền thông…

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những việc phải làm, nữ Tổng thống đầu tiên của Braxin cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước tiên, đó là những quan ngại trong vai trò trung gian hòa giải quốc tế. Vốn được coi là một nhân vật không có sức lôi cuốn và kỹ năng đàm phán như người tiền nhiệm Silva, chắc chắn bà Rousseff sẽ không dễ dàng đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải quốc tế và ngay cả trong nội bộ liên minh cầm quyền khá ngang ngạnh.

Ngoài ra, bà cùng nội các của mình sẽ phải giúp Braxin vượt qua những khó khăn lớn về kinh tế. Mặc dù nền kinh tế đất nước đang bùng nổ - tăng trưởng hơn 7% năm 2010, song đồng nội tệ real đã tăng giá quá cao so với đồng USD khiến ngành xuất khẩu - vốn đóng vai trò quan trọng sống còn của nước này - bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Đó là chưa kể các chính sách của ông Silva cũng không tránh khỏi thiếu sót khi để lại một lỗ hổng lớn về giáo dục, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, tham nhũng và cải cách, chẳng hạn trong lĩnh vực hưu trí khiến tội ác, nghèo đói, tham nhũng, hệ thống giáo dục và y tế yếu kém, cơ sở hạ tầng tồi tàn vẫn đeo bám Braxin.

Rõ ràng, chặng đường phía trước không chỉ toàn hoa hồng đối với nữ chính khách này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để bà khẳng định bản lĩnh của một bóng hồng trên chính trường.

Ngọc Hà