12:11 11/12/2012

Bóng đá Việt Nam: Cơ hội làm lại từ đầu

Sau hơn một thập kỷ cõng trên lưng chữ “Chuyên” một cách rất thiếu.... chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam tất yếu đang phải oằn mình gánh chịu những hậu quả.

Dù chẳng liên quan tới thuyết “Ngày tận thế” của người Maya, nhưng khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2012 rơi xuống, lộ trình chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cũng lâm vào ngõ cụt. Bộ mặt đáng thất vọng của đội tuyển tại AFF Suzuki Cup, sự bối rối của các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam trước sự sụp đổ domino của mô hình CLB chuyên nghiệp “đại gia làm bóng đá” trong một bức tranh kinh tế ảm đạm, đó thực sự là cái kết hợp lý cho cung cách làm bóng đá kiểu “ăn xổi” của chúng ta.



Người hâm mộ đang mất niềm tin vào VFF. Ảnh: internet


Alfred Riedl, người từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đã có một câu nói nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, nói lên cách làm ngược đời của các nhà hoạch định chính sách của LĐBĐ Việt Nam (VFF) trong việc xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp. Sau hơn một thập kỷ cõng trên lưng chữ “Chuyên” một cách rất thiếu.... chuyên nghiệp như vậy, bóng đá Việt tất yếu đang phải oằn mình gánh chịu những hậu quả.


Nhìn lại quãng thời gian từ năm 2000 đến nay, từ V-League cho tới một cái tên mỹ miều hơn là Super League, thực trạng bóng đá Việt Nam lại đang đi theo một con đường hoàn toàn trái ngược: từ Super tới con số 0. Bây giờ, bất cứ một người hâm mộ chân chính nào khi được hỏi cũng than thở: “Bao giờ cho đến ngày xưa”. Những nuối tiếc về Thể Công, về Hồng Sơn, Huỳnh Đức, về những khán đài sôi sùng sục... là có thực. Liệu điều đó có mảy may làm lay động bộ máy lãnh đạo bóng đá Việt Nam?


Bóng đá Việt Nam đã và đang học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp từ một số nền bóng đá phát triển, nhưng chúng ta đã học được gì và áp dụng được gì vào thực tế lại thì là những câu hỏi đang được ném vào hư không. Chúng ta đang làm bóng đá mà bỏ qua điều quan trọng nhất: khán giả. Quan sát những nền bóng đá phát triển hiện nay trên thế giới, tất cả những gì mà bóng đá có được đều xuất phát từ đây: lịch sử của đội bóng, tình yêu, lòng trung thành với một CLB nào đó và đặc biệt là tài chính. Khi một đội bóng không nhen lên được ngọn lửa từ trái tim người hâm mộ, những gì mà họ thể hiện trên sân cuối cùng cũng trở thành vô nghĩa. Bóng đá không nuôi được bóng đá, những khán đài trống hơ trống hoách ở V-League, sự thờ ơ của người hâm mộ đối với ngay cả đội tuyển quốc gia, tất cả khiến người ta phải nhói đau.


Chuyện các “đại gia” nhảy vào làm bóng đá trong những năm gần đây càng cho thấy sự mất định hướng của các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam. VFF giống như một con rối, ai có tiền cũng có thể giật dây. Đến khi những nhân vật này “sa cơ” hoặc đơn giản hơn là hết hứng thú, bức tranh bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giống như vừa trải qua khoảnh khắc mà người Maya tiên đoán.


Những đề xuất bất cập của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về mùa giải 2013 đang bị phản ứng dữ dội, từ cả những nhà lãnh đạo ngành. Đá bóng mà không xuống hạng thì còn gì tính cạnh tranh, còn gì để mà phấn đấu, có khác gì bóng đá... phong trào. Và cả sự xuất hiện của U22 Việt Nam nữa, nó càng làm lòi ra căn bệnh “thành tích” cố hữu.


Khi đã chạm đáy, hơn lúc nào hết các nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam nên bình tĩnh, ngồi lại để xác định lại hướng đi cho nền bóng đá. Hoãn hay không hoãn giải đấu không quan trọng, tương tự là “trảm” hay không “trảm” một ai đó, mà quan trọng là chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu lại từ đầu công việc xây một ngôi nhà – TỪ MÓNG.



Hoài Nam