06:16 25/06/2015

Bóng đá hậu SEA Games

Sau chiếc Huy chương đồng tại SEA Games 28, bóng đá Việt Nam đang phải đối diện với nhiều vấn đề tiêu cực, đó là vụ tố cáo nhận hối lộ tại “thượng tầng” Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

1. Sau chiếc Huy chương đồng tại SEA Games 28, bóng đá Việt Nam đang phải đối diện với nhiều vấn đề tiêu cực, đó là vụ tố cáo nhận hối lộ tại “thượng tầng” Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF); những đánh giá khác nhau về kết quả của đội tuyển U23 tại SEA Games 28 liên quan đến năng lực của HLV Miura. U23 Việt Nam đặt chân tới SEA Games 28 với mục tiêu lọt vào trận chung kết và ấp ủ hy vọng giành “ngôi vương”. Thế nhưng, đội tuyển U23 của chúng ta chỉ lọt vào tới vòng bán kết.

Công bằng mà nói, sân chơi SEA Games là vừa sức với bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại và kỳ vọng giành chức vô địch không phải là viển vông. Hơn nữa, chỉ một thời gian ngắn dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, U23 Việt Nam đã thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác với lối chơi mạnh mẽ, cống hiến. Chính vì vậy, U23 Việt Nam tại SEA Games 28 được dư luận (cả trong và ngoài nước) đánh giá rất cao, người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng. Thật tiếc, sau khi để thua U23 Myanmar ở trận bán kết, HLV người Nhật Bản đã bị mất điểm trước giới chuyên môn và cả người hâm mộ. Câu hỏi được đặt ra, liệu VFF có thực sự tin tưởng để tiếp tục giao trọng trách chèo lái đội tuyển quốc gia (kiêm cả đội tuyển U23) cho HLV Miura? Nếu ông Miura không được trọng dụng, thì bóng đá Việt Nam có tiếp tục sa lầy trong việc tìm kiếm HLV trưởng cho đội tuyển?

Câu chuyện bóng đá Việt Nam ở SEA Games 28 chắc chắn chưa dừng lại. Có rất nhiều bài học sẽ được các nhà làm bóng đá Việt Nam phân tích, mổ xẻ, nhất là vấn đề làm thế nào để các cầu thủ của chúng ta không bị áp lực tâm lý, thật sự thanh thản trước mỗi trận đấu lớn; thay vì đặt lên vai các em quá nhiều tham vọng. Trong thi đấu thể thao, nhất là với môn “thể thao vua”, nếu nói thành tích không phải là mục tiêu quan trọng, thì đó là lời nói không thật. Nhưng phải dũng cảm nhìn nhận, ở tất cả các cấp độ, từ bóng đá nữ đến bóng đá nam, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia, thực lực bóng đá Việt Nam chưa đủ mạnh, nên việc đặt vấn đề U23 Việt Nam phải vượt qua Thái Lan để lần đầu tiên giành chức vô địch SEA Games, thì có phần chủ quan nóng vội và không “biết người biết ta”.

2. Những ngày này, dư luận đang ồn ào xung quanh vụ ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF, gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo 2 lãnh đạo của VFF là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ từ ông với số tiền 100 triệu đồng mỗi người (ông Chương tuyên bố sẵn sàng trưng ra cả bằng chứng và bằng ghi âm về những cuộc đối thoại liên quan đến vụ việc). Tóm lược thế này, ông Chương được bổ nhiệm quyền giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF từ tháng 9/2013 đến tháng 7/2014. Ông Chương bị VFF cho thôi việc từ tháng 6/2015, nhưng trước đó, do được gợi ý, ông đã đưa tiền cho ông Dũng và ông Tuấn với hy vọng sẽ không bị mất việc. Kết cục, sự việc không thành và ông Chương vẫn phải rời nhiệm sở.

Có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vụ việc nêu trên, nhưng phần lớn đều có cảm nhận, mầm mống của sự rắc rối xuất phát từ chính nội bộ của VFF. Cũng có ý kiến, trong bối cảnh VFF đang nỗ lực đổi mới hoạt động, do vậy, những tác động từ bên ngoài, kể cả bất đồng quan điểm cũng là dễ hiểu.

Điều dư luận chờ đợi lúc này là sự vào cuộc của cơ quan điều tra, xem xét một cách khách quan, đầy đủ. Đúng - sai thế nào cần được công khai, minh bạch; ai có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể để những vụ việc tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của bóng đá nước nhà.
Yến Nhi