09:23 12/09/2011

Bốn chuyển dịch mới của kinh tế Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu” số ra gần đây đã trích đăng bài phát biểu của chuyên gia kinh tế Tào Nguyên Chinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần quốc tế Trung Ngân Trung Quốc, tại buổi hội thảo về phát triển kinh tế tư nhân do Liên hiệp Công thương toàn quốc Trung Quốc tổ chức.

“Thời báo Hoàn Cầu” số ra gần đây đã trích đăng bài phát biểu của chuyên gia kinh tế Tào Nguyên Chinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần quốc tế Trung Ngân Trung Quốc, tại buổi hội thảo về phát triển kinh tế tư nhân do Liên hiệp Công thương toàn quốc Trung Quốc tổ chức. Bài phát biểu cho rằng, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nhiều thay đổi, cần nhanh chóng tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới. Trong tương lai, tiêu dùng phải trở thành đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, vì trong bối cảnh hiện nay, xu thế này chủ yếu bị hạn chế bởi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc còn thấp.

Khách mua hàng tại siêu thị ở thành phố Thượng Hải, miền đông Trung Quốc ngày 31/8. THX/ TTXVN


Hiện nay về tổng thể, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước bốn sự thay đổi mới: Thứ nhất, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, do đó tăng trưởng nội địa của Trung Quốc dựa vào xuất khẩu sẽ phải chuyển sang mở rộng nhu cầu nội địa; thứ hai, sức lao động dư thừa trong nước không còn dồi dào, có nghĩa ngành chế tạo giá thành thấp của Trung Quốc sẽ không còn ưu thế cạnh tranh lâu dài; thứ ba, lợi thế về nhân khẩu có xu hướng mất đi, có nghĩa năng lực đầu tư tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống; thứ tư, tiết kiệm năng lượng trở thành xu thế mang tính thế giới, như vậy kinh tế mang tính tiêu hao nhiều tài nguyên khó có thể duy trì.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã chuyển đổi quỹ đạo kinh tế hai lần, lần thứ nhất là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ truyền thống sang nền kinh tế thị trường; lần thứ hai là chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế công nghiệp - hai lần chuyển đổi này đều xuất hiện xu thế tăng trưởng kinh tế rất nhanh. Quá trình chuyển đổi quỹ đạo kinh tế lần này là do cải cách mở cửa thúc đẩy, làm cho thể chế kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc bắt nhịp vào đường ray chung của kinh tế thế giới, từ đó trở thành nền kinh tế mở cửa lớn nhất thế giới.

Trong thời gian tới, kinh tế Trung Quốc vẫn nằm trong quỹ đạo này, nhân tố tăng trưởng mang tính xu thế trong thời gian dài là công nghiệp hóa và đô thị hóa vẫn tiếp tục. Nhờ xu thế này, kinh tế Trung Quốc vẫn có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao. Tuy nhiên, chuyên gia Tào Nguyên Chinh cũng cho rằng sau khi kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn mới, sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới. Năm 2010 tổng lượng kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước xuất khẩu lớn nhất toàn cầu, nếu không xảy ra những bất ngờ, dự báo đến trước hoặc sau năm 2025, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn nằm trong tốp sau của thế giới, phát triển kinh tế bền vững, thực hiện dân giàu nước mạnh vẫn là con đường dài phía trước và nặng nề, những nhân tố tăng trưởng có lợi trong hơn 30 năm qua đang bắt đầu giảm dần.

Điều quan trọng hơn là năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 4.000 USD (theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới), bước vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình của thế giới. Theo kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn này rất dễ xuất hiện “bẫy thu nhập trung bình”, khiến cho kinh tế đình trệ trong thời gian dài. Xét về góc độ của Trung Quốc, thách thức do “bẫy thu nhập trung bình” đem lại chủ yếu là do khoảng cách chênh lệch thu nhập quá lớn, năng lực tiêu dùng của người dân có hạn, nhu cầu nội địa không đáng kể.

Tào Nguyên Chinh cho rằng để nâng cao thu nhập của cư dân cần phải làm được “hai nâng cao” và “hai đồng bộ”. Hai nâng cao là trong phân phối bước đầu, nâng cao tỷ trọng thu nhập bằng tiền lương, trong thu nhập quốc dân, nâng cao tỷ trọng của thu nhập cư dân. Hai đồng bộ là: Tỷ lệ thu nhập của cư dân với lao động sản xuất được nâng cao đồng bộ, thu nhập của cư dân với GDP tăng trưởng đồng bộ.

Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia Tào Nguyên Chinh, trong vòng 10 năm tới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức 8% trở lên, nếu thu nhập cư dân tăng trưởng đồng bộ, thì thu nhập bình quân của cư dân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Trong 5 năm tới, nếu cộng thêm mức chi ngân sách gia tăng cho bảo hiểm xã hội, dự báo tăng trưởng thu nhập bằng tiền lương của cư dân có hy vọng đạt khoảng 15%, điều này có nghĩa thu nhập của cư dân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

Vũ Quang Đức (P/v TTXVN tại Trung Quốc)