06:22 19/06/2015

'Bom tấn' nước ngoài chiếm lĩnh thị phần phim hè

Mùa hè năm 2015, khi các bộ phim “bom tấn” nước ngoài làm mưa làm gió ở các rạp chiếu phim trên toàn quốc, thì điện ảnh Việt Nam lại rất khiêm tốn.

Mùa hè năm 2015, khi các bộ phim “bom tấn” nước ngoài làm mưa làm gió ở các rạp chiếu phim trên toàn quốc, thì điện ảnh Việt Nam lại rất khiêm tốn.

Trong lịch chiếu của các cụm rạp lớn như CGV, Lotte Cinema hay Platinum..., dễ dàng tìm được những bộ phim “bom tấn” nước ngoài được công chiếu. Có thể thấy lĩnh vực giải trí điện ảnh của Việt Nam bị các hãng sản xuất nổi tiếng của Mỹ chiếm lĩnh thị phần khi họ liên tục tấn công thị trường phim ảnh, đặc biệt là ở các thể loại hành động, khoa học viễn tưởng, hoạt hình... Có thể kể tới một số phim “bom tấn” đình đám như Mad Max: Fury Road, Insidious 3, Pitch Perfect 2, Fast and Furious 7, Fantastic Four, Jurassic World (Thế giới khủng long)... cho tới những bộ phim hoạt hình của một số hãng sản xuất Mỹ quen thuộc “Kẻ cắp mặt trăng” (Despicable Me), “Những mảnh ghép cảm xúc” (Inside Out)...

Một cảnh trong phim “Quyên”, một trong số ít ỏi phim Việt ra rạp hè 2015.


Với việc chất lượng hình ảnh, nhân vật sinh động bắt mắt, nội dung phim liên tục đổi mới một cách sáng tạo linh hoạt, kỹ xảo đồ họa tỉ mỉ công phu, trau chuốt từng đường nét, những bộ phim này đã thu hút đông đảo khán giả tới rạp và thu được doanh thu “khủng”. “Fast and Furious 7” chỉ sau chưa đầy 2 tuần công chiếu tại Việt Nam đã thu hút 1,26 triệu lượt khán giả, thu về 110 tỉ đồng (5,1 triệu USD). Hay phim Jurassic World (Thế giới khủng long), một bộ phim khác trong top “bom tấn” hấp dẫn nhất mùa hè 2015 vừa công chiếu đầu tháng 6 tại các rạp Việt Nam đã thu về trên 30 tỷ đồng chỉ trong tuần đầu tiên...

Trong khi đó, điện ảnh Việt Nam hiện diện rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là lép vế. Nhìn vào lịch chiếu phim rạp những ngày này, Việt Nam chỉ có duy nhất phim “Quyên” của đạo diễn Phan Quang Bình. Trước đó, Việt Nam cũng có một số bộ phim ra rạp như “Ma dai” của đạo diễn Hoàng Duy, “Lật mặt” của đạo diễn Lý Hải, “Thám tử Hênry” do Tấn Beo làm đạo diễn... cũng được công chiếu ở các rạp.

Điểm lại những bộ phim Việt ra rạp hè này, ngoài bộ phim “Quyên” có đề tài về thân phận người Việt tha hương trong biến cố bức tường Berlin sụp đổ, còn lại đều là phim ma, kinh dị. Theo đánh giá của những người trong nghề, hầu như tất cả các phim Việt ma ra rạp thời gian vừa rồi đều nhanh chóng thu hồi vốn, thậm chí nhà sản xuất phim “Ma dai” (Công ty Thiên Phúc và AHD Media) còn công bố, phim đạt doanh thu 14 tỷ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu. Mặc dù mang lại doanh thu khá cao, nhưng theo đánh giá của những người trong nghề, thì những bộ phim ma này chất lượng chưa tốt, nghèo ý tưởng, các tình tiết kết nối rời rạc, thậm chí còn mắc nhiều lỗi không đáng có, khiến cho không ít khán giả đi xem vì tò mò, sau đó là hụt hẫng. Điều này đã cho thấy, tính chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam chưa cao, và chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần phim hè ngay ở trong nước.

Là một “tín đồ” phim rạp, luôn săn lùng phim “bom tấn”, bạn Thiên Quỳnh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều bạn của tôi thường thích xem các bộ phim nước ngoài hơn phim Việt Nam. Tôi cũng đã xem những bộ phim Việt ra mắt trước đây, nhưng xem rồi lại thất vọng. Phim toàn cảnh ma, kinh dị, rùng rợn, nhưng nội dung nhạt nhẽo, diễn xuất thì chưa đặc sắc, những câu chuyện trong phim kết nối rời rạc, bừa bãi, thiếu sự gắn kết, và quan trọng nhất là xem phim xong là quên ngay, không để lại ấn tượng gì trong lòng người xem”.

Ở những nước có nền điện ảnh phát triển, dịp hè là thời điểm để các nhà sản xuất tung ra những bộ phim “bom tấn” vì đây là cơ hội để thu hút khán giả đến rạp. Không chỉ chú trọng đầu tư vào kịch bản, diễn viên... để sản xuất ra những bộ phim “bom tấn”, mà họ còn chú trọng đến lên kế hoạch sản xuất phim và tiếp thị, quảng bá phim từ trước đó rất lâu để chờ thời cơ đến là tung ra hốt bạc. Trong khi đó, các nhà làm phim Việt vẫn chưa có một quy trình làm phim chuyên nghiệp, từ sản xuất đến quảng bá... chính vì vậy, thị phần phim hè ở Việt Nam những năm gần đây đã bị phim ngoại lấn át, tự do hốt bạc, và việc bỏ lỡ một “cơ hội vàng” để bán phim vào dịp hè là điều đáng tiếc cho các nhà làm phim Việt Nam.

Có thể nói, với tốc độ “chạy đua” một cách chóng mặt của làng điện ảnh thế giới nói chung và điện ảnh Mỹ, sẽ thật khó khăn cho các hãng sản xuất phim Việt Nam nếu không đổi mới cách thức sản xuất, cách tiếp cận thị hiếu khán giả. Nếu một sản phẩm điện ảnh được ra đời nhưng không được khán giả biết đến, không được khán giả đón nhận và yêu thích, đó sẽ là một bộ phim thất bại.

Thùy Linh - Khánh Ngọc