02:16 11/02/2011

“Bom hẹn giờ” ở thiên đường du lịch Bali

Ở bờ bãi biển Kuta rợp bóng những tán cọ xinh đẹp của đảo Bali (Indonesia), hàng ngàn du khách kéo tới mỗi ngày để nghỉ dưỡng. Bốn chiếc máy cẩu vẫn đang miệt mài hoạt động cho những công trình đang xây dựng.

Ở bờ bãi biển Kuta rợp bóng những tán cọ xinh đẹp của đảo Bali (Indonesia), hàng ngàn du khách kéo tới mỗi ngày để nghỉ dưỡng. Bốn chiếc máy cẩu vẫn đang miệt mài hoạt động cho những công trình đang xây dựng.


Tất cả đều hối hả để cho sự ra đời của Beach Walk, khu nghỉ dưỡng cao cấp trị giá 70 triệu USD nối hai khách sạng hạng sang với những nhà hàng xịn, các khu mua sắm, khu vực hội nghị.

"Bon hẹn giờ" ở thiên đường du lịch Bali


Mười năm trước, chỉ có khoảng 1,3 triệu khách nước ngoài tới Bali du lịch mỗi năm. Nhưng năm 2010, tức năm năm sau vụ đánh bom thứ hai làm 20 người thiệt mạng, số du khách nước ngoài đến đây đã đạt con số kỷ lục 2,3 triệu người. Năm 2011, kỷ lục mới sẽ có thể được lập khi 2,5 triệu du khách nước ngoài dự kiến đặt chân tới hòn đảo này. Con số này sẽ tạo nên một sức ép kinh khủng cho cơ sở vật chất và hạ tầng của Bali.


Trái đắng của phát triển nóng


Hằng ngày chứng kiến quá trình tự tiêu hủy của hòn đảo, các chuyên gia du lịch đã cảnh báo Bali đang mất đi sức hấp dẫn. Họ khuyến cáo cần tập trung vào hướng phát triển bền vững hơn, song song với bảo vệ bờ biển và rừng nhiệt đới. Trong khi có nhiều cơ sở hạ tầng quá cũ, không được cải thiện thì những công trình xây dựng mang danh nghĩa phát triển lại không theo kế hoạch, đang làm hỏng cảnh trí thiên nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương. Giao thông chằng chịt, tắc đường, cắt điện luân phiên, thiếu nước, hệ thống thải và rác đang đe dọa Bali.


Năm 2009, Bali có 5,75 triệu du khách trong và ngoài nước, tức gần gấp đôi dân số địa phương trên đảo (3,8 triệu), trong khi dân số lý tưởng trên đảo là 1,5 triệu người. Toàn bộ 48 bãi biển của Bali đều bị suy thoái nghiêm trọng. Chỉ riêng năm 2008, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bali mất 88,6 km bờ biển, chủ yếu là do phát triển tự phát và các công trình vi phạm luật bờ biển. Nhiệt độ trung bình 10 năm qua tăng từ 280C tới 300C, chủ yếu là do dân số tăng cao. Số phòng khách sạn đã lên 78.000 phòng, trong khi con số lý tưởng là 22.000 phòng.


Từ năm 1983, Bali đã mất 25.000 ha rừng do đốn gỗ lậu, tức 1/5 diện tích trong 20 năm. Niềm tự hào của hòn đảo, những chú hổ Bali, đã biến mất hoàn toàn, và loài chim hiếm có tên chim sáo Bali giờ chỉ còn vài chục con. Bali đã mất trung bình 1.500 ha đất nông nghiệp mỗi năm cho công nghiệp trong 30 năm qua. Hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi nông nghiệp chính là nền tảng văn hóa Bali, và hòn đảo này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với người dân địa phương. Văn hóa bản địa đang dần bị thay thế bằng lối sống xa lạ, công nghiệp từ nơi khác du nhập vào.


Theo Jakarta Post, các nhà chức trách Bali hiểu rõ thu hút ngày càng đông du khách mà để quá tải thì không khác gì so với tự kề dao vào cổ. Họ không thể nhắm mắt làm ngơ trước tác hại đối với môi trường. Giám đốc Cơ quan Hoạch định phát triển quốc gia Indonesia Oswar Mungkasa cho rằng nếu Bali tiếp tục phát triển như thế này, hòn đảo sẽ điêu tàn trong 10 năm.


Khi người dân địa phương không hiểu và pháp luật thiếu nghiêm minh thì đó chính là các nguyên liệu để tạo nên một món ăn mang tên “thảm họa”.


Bali được ví như viên ngọc quý đính trên vương miện du lịch của Indonesia. Hòn đảo đóng góp 30% tổng doanh thu cho du lịch quốc gia, tức khoảng 3 tỉ USD/năm. Nhưng các ngôi nhà triệu đô đang thay thế những làng cá, và hạ tầng Bali đang oằn mình trước những áp lực phát triển.


“Dường như không ai để ý Bali chỉ là một hòn đảo nhỏ với nhiều hạn chế” - Adnyana Manuaba, cố vấn Chính phủ Indonesia về phát triển bền vững, cảnh báo. Ông chỉ trích việc chính quyền tiếp tục cho xây dựng khách sạn mới, trong khi lại thiếu một kế hoạch phát triển lâu dài, luật pháp lại không nghiêm đối với những trường hợp xây dựng sai trái.


Bài toán cho phát triển bền vững


“Du khách tới Bali là để nghỉ ngơi thư giãn - tổng thư ký Hiệp hội Khách sạn Bali Perry Markus nói - Nếu họ cũng rơi vào cảnh kẹt xe khói bụi như Jakarta thì tôi có thể hình dung họ sẽ tức giận và thất vọng đến mức nào”.


Lo sợ hòn đảo sẽ trở thành nạn nhân của chính sự thành công kinh tế, thống đốc Made Mangku Pastika trong tháng 1-2010 đã có quyết định chưa từng có là tạm dừng xây dựng mới các khách sạn tại ba khu vực đông đúc nhất của hòn đảo.


Với mục tiêu là điểm đến chất lượng, các nhà chức trách không muốn Bali biến thành điểm du lịch rẻ tiền. Hình ảnh rẻ tiền chỉ khiến khách Tây balô đến, chi không nhiều tiền nhưng lại khiến hòn đảo thành ra quá đông đúc chật chội.


Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bali Ida Bagus Ngurah Wijaya thừa nhận thực tế hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp của mình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những kiểu phát triển tự phát. “Chúng tôi không muốn phát triển du lịch ở Bali mà hóa ra lại là làm hại hòn đảo”.


Theo Tuổi Trẻ