12:16 14/12/2011

"Bom chùm" - hy vọng mới trong chữa ung thư

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tel Aviv của Ixraen đã phát triển thành công một kĩ thuật mới cho phép tiêu diệt các tế bào ung thư từ bên trong khối u. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ làm giảm nguy cơ tái phát bệnh sau điều trị.

Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tel Aviv của Ixraen đã phát triển thành công một kĩ thuật mới cho phép tiêu diệt các tế bào ung thư từ bên trong khối u. Phương pháp này được kỳ vọng sẽ làm giảm nguy cơ tái phát bệnh sau điều trị.


Phẫu thuật chỉ là một biện pháp truyền thống trong điều trị ung thư. Ảnh: Internet


Trong công trình nghiên cứu, hai nhà khoa học Yona Keisari và Itzhak Kelson đã cấy vào trong khối u một thiết bị kích cỡ bằng đầu kim, bên trong chứa các hạt phóng xạ. Từ bên trong khối u, thiết bị này phát ra các hạt anpha sóng ngắn. Theo các phương pháp trị xạ thông thường, các tia phóng xạ tác động từ bên ngoài khối u và vào toàn bộ cơ thể. Với phương pháp của các nhà khoa học Ixraen, các hạt anpha sẽ lan rộng ra từ bên trong tế bào ung thư và sau đó tự phân hủy. Kết quả là các tế bào ung thư bị tiêu diệt dần từ bên trong khối u và sự hình thành trở lại của tế bào ung thư cũng bị ngăn chặn. Một liệu trình như vậy kéo dài khoảng 10 ngày và không gây hại cho cơ thể.

Tiến sĩ Yona Keisari cho biết thiết bị chứa phóng xạ này như một "quả bom chùm", thay vì "cho nổ" ngay tại chỗ, nó đẩy các hạt anpha ra xa hơn làm tăng "bán kính sát thương". Khi áp dụng liệu pháp này trên chuột, khả năng tái phát của tế bào ung thư là 50%, trong khi với các trường hợp phẫu thuật, tỷ lệ này là 100%.

Các tác giả của công trình nghiên cứu này cho biết phương pháp cấy thiết bị chứa phóng xạ mang lại hiệu quả với nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi, tuyến tụy, ruột kết, não và ung thư vú.



TTXVN/Tin Tức