07:22 12/07/2023

Bộ Y tế giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bình Thuận

Chiều 12/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do bà Lê Hồ Phương Nga, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, làm việc với một số đơn vị tại Bình Thuận nhằm giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng tại tỉnh.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tại buổi làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Thuận, ông Chế Ngọc Thạch, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm CDC thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 163 ca bệnh tay chân miệng ở 9/10 huyện, thị thành phố, tập trung cao ở một số địa phương như: thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc… Số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ đầu tháng 5 và tăng cao trong tháng 6. Nếu như 5 tháng đầu năm, ca bệnh ghi nhận khoảng 4 - 13 ca mỗi tháng thì tháng 6 con số này lên tới 130 ca. Tỉnh ghi nhận ca tử vong đầu tiên tại thị xã La Gi.

Tính đến ngày 30/6, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 2.153 số ca mắc sốt xuất huyết Dengue (tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 65 ca nặng. Số ca mắc thuộc nhóm tuổi dưới 15 chiếm 64%.

Theo CDC Bình Thuận, trước tình hình bệnh sốt xuất huyết tăng cao, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tham mưu thực hiện các hoạt động diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động cũng như xử lý các ổ dịch, ổ bệnh kịp thời. Đồng thời, CDC phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tuyên truyền cách nhận biết và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… Tỉnh đã triển khai giám sát điều tra ca tử vong nghi mắc tay chân miệng; cấp phát tờ rơi, tổ chức truyền thông lưu động phòng, chống tay chân miệng.

Chú thích ảnh
Đoàn Y tế của Bộ kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác nhận định chu kỳ lưu hành bệnh tay chân miệng hàng năm tăng cao vào khoảng tháng 8 - 10 sau đó giảm dần đến tháng 6 năm sau. Tuy nhiên 2 năm gần đây bệnh có xu hướng tăng sớm vào khoảng tháng 5 - 6. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đến sớm hơn và có diễn biến phức tạp. Đoàn công tác chỉ ra những tồn tại, lưu ý một số giải pháp để Bình Thuận nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Lê Hồ Phương Nga đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bình Thuận trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng.  Với tình hình bệnh đang tăng cao như hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang đề nghị Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với ngành Y tế triển khai tốt công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế, CDC tỉnh tiếp tục giám sát các ca bệnh tại cộng đồng, chú ý huy động sự vào cuộc của các cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời, Sở thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến huyện trong phòng, chống dịch. Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật lực, nhân lực sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dập dịch nếu dịch bệnh tiếp tục tăng cao và bùng phát.

Đối với các kiến nghị của tỉnh về thiếu thuốc điều trị các ca bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng; hỗ trợ tập huấn chuyên môn; củng cố hoạt động phần mềm hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm…, Đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo lên Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Đoàn Y tế của Bộ kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.

Trước đó, Đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra thực tế công tác tiếp nhận, thu dung và chăm sóc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận; giám sát hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết…

Tin, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)