Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ đã có hướng dẫn, khung giải pháp xử lý các vấn đề: Bong bóng, sốt đất cục bộ bất động sản (BĐS), nhất là bất cập trong quản lý loại hình condotel... để trình Thủ tướng ngay quý I/2020.
Theo Tập đoàn cung cấp dịch vụ BĐS hàng đầu trên thế giới tại Việt Nam (Savills Việt Nam), condotel xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2013, bùng nổ vào 2016 và có dấu hiệu thoái trào từ cuối năm 2018. Gần đây việc dự án Cocobay Đà Nẵng không thực hiện cam kết lợi nhuận, khiến không ít nhà đầu tư "vỡ mộng". Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư cho rằng, một dự án "vỡ trận" chỉ là cá biệt, đây vẫn là loại hình đầu tư hấp dẫn, nhưng Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các quy định siết chặt, tạo hành lang pháp lý để condotel hoạt động trong khuôn khổ.
Đại diện Savills Việt Nam cho biết, condotel được thiết kế theo mô hình và tiêu chuẩn khách sạn để đảm bảo hoạt động vận hành và tạo nên dòng tiền cho thuê. Do đó, khi chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng và không hiểu rõ về dòng tiền hoạt động trong dài hạn của việc quản lý condotel, dự án sẽ gặp phải những rủi ro và khó khăn nhất định.
Cụ thể như, một số chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên tới 10 - 12% là không khả thi và mức cam kết lợi nhuận từ 4 – 6% là hợp lý, để đảm bảo lợi nhuận cho thuê ổn định. Trong trường hợp này người mua vẫn được sử dụng một số ngày nghỉ miễn phí và có cơ hội tiềm năng đạt được lợi nhuận thoái vốn trong trung đến dài hạn, đặc biệt đối với sản phẩm ven biển. Việc đẩy mức cam kết lợi nhuận lên cao dễ tạo thành cuộc đua giữa các chủ đầu tư với khách hàng, mà thiếu cam kết về thời gian hưởng lợi nhuận trong thời gian bao nhiêu năm.
“Nhiều dự án thực tế qua khảo sát vị trí, khách hàng, kinh doanh chưa thể có lãi ngay trong 1 - 3 năm đầu, thậm chí đến 5 năm. Khi đó, mức chi trả lợi nhuận cho khách hàng sẽ là âm. Nếu khách hàng đối diện với mức này chắc chắn sẽ không hài lòng. Vì vậy, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận trong vòng 5 năm đầu, tuy nhiên phải là mức lợi nhuận hợp lý để có thể thực hiện được, ngược lại thì dễ dẫn đến không có khả năng chi trả", một chủ đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng nhận định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, mức cam kết lợi nhuận chi trả cho condotel lên tới 12% năm, nghĩa là gấp đôi gấp ba lãi suất tiết kiệm là không tưởng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của các địa phương để tổng hợp khung tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy chế vận hành condotel và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn cấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho condotel.
Bộ Xây dựng đã đến các địa phương đề án cụ thể, trong đó có giải pháp khung để ứng phó, xử lý, quản lý xây dựng condotel. Thực hiện Chỉ thị 11/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về condotel, trong đó, quy định rõ chỉ tiêu dân số, quy hoạch, bố trí mặt bằng, cũng như tính toán số lượng, chất lượng condotel. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các dự án condotel, đảm bảo phù hợp quy hoạch, cung - cầu trên thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhất là vấn đề liên quan đến các hợp đồng mua bán loại hình này.
Đáng chú ý là vấn đề quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, từ ngày 1/1/2018 không còn quy định phạt cho tồn tại, tất cả vi phạm sẽ bị cưỡng chế, để các công trình thực hiện xây dựng theo đúng dự án được duyệt. Các địa phương nếu không quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, xử lý kịp thời sẽ gây ra hậu quả xấu, cả về kinh tế - xã hội và cả tâm lý khi buộc phải cưỡng chế công trình vi phạm.