09:01 10/09/2012

Bộ trưởng hoan nghênh dân phát hiện sai phạm tại chùa Trăm Gian

Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên sóng VTV1- THVN tối 9/9 là cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh về những vấn đề "nóng" và "bức xúc" của đời sống văn hóa trong thời gian qua.

Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên sóng VTV1- THVN tối 9/9 là cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Tuấn Anh về những vấn đề "nóng" và "bức xúc" của đời sống văn hóa trong thời gian qua. Ngoài câu chuyện về việc trùng tu, tôn tạo di tích không đúng quy định, dẫn tới sự phá hoại di tích ở chùa Trăm Gian đang khiến dư luận quan tâm, còn có nhiều vấn đề về các hoạt động văn hóa công cộng, việc định hướng trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho giới trẻ.
Tuy những câu trả lời chưa thực sự làm chúng ta thấy "thỏa mãn", nhưng có thể nói, qua cuộc trò chuyện này, "hiện trạng" của đời sống văn hóa - nghệ thuật được dựng lên khá rõ nét.

Bảo vệ di tích: Đẩy mạnh vai trò của công tác kiểm tra, quản lý


Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước thực tế là lâu nay, vấn đề bảo tồn các di tích cổ luôn khiến người dân lo ngại, và gần đây nhất, một số hạng mục chùa Trăm Gian bị phá đi xây lại đã là hồi chuông cảnh báo về thực trạng các di tích bị xâm hại nghiêm trọng; theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết Bộ sẽ sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong vấn đề này.

 

Hiện Bộ đang xây dựng và đã trình Thủ tướng một nghị định về thẩm quyền, quy trình trùng tu tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, phải tăng cường công tác kiểm tra. Thứ nhất là các ban quản lý của di tích phải tăng cường kiểm tra với các di tích mình quản lý. Thứ hai là tăng cường kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo di tích xem có tuân thủ đúng quy định của pháp luật là phải giữ nguyên trạng, không xâm phạm di tích, không thay bằng vật liệu mới, làm biến dạng di tích. Và thứ ba là phải nâng cao trách nhiệm của chính người dân. Theo Bộ trưởng, việc phát hiện sai phạm tại chùa Trăm Gian cũng là nhờ những người dân ở địa phương, cần phải hoan nghênh ý thức của những người dân nơi đó. "Chúng ta cần tuyên truyền, khuyến khích những người dân xung quanh các di tích hãy sớm phát hiện những hành động xâm phạm di tích, để các cơ quan quản lý nhà nước sớm vào cuộc. Mặt khác, Bộ và các tỉnh, thành cần đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, quảng bá về luật di sản, các nghị định thông tư hướng dẫn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Xây dựng thị hiếu cho giới trẻ: Báo, đài cũng cần vào cuộc!


Theo phản ánh của nhiều bạn trẻ ở các vùng nông thôn, tại khu vực sinh sống của họ rất thiếu các phương tiện thông tin giải trí. Các nhà văn hóa địa phương hoạt động cầm chừng, chiếu lệ, phong trào không đủ mạnh để thu hút thanh thiếu niên, rạp chiếu phim, khu vui chơi công cộng không có. Chính vì thiếu những phương tiện vui chơi giải trí lành mạnh mà một bộ phận những thanh niên vùng nông thôn đã sa đà vào việc tụ tập để nhậu nhẹt, cờ bạc, lô đề.


Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, tuy chúng ta đã có hệ thống các nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí tại địa phương; nhưng cách định hướng, cách tổ chức hoạt động của hệ thống này còn hết sức sơ khai; thậm chí nhiều nơi các nhà văn hóa, các khu vui chơi giải trí có nhưng chỉ... đóng cửa để đấy. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới Bộ sẽ có một hướng dẫn cụ thể hơn về việc tổ chức những lớp tập huấn ở các khu vực, huyện, xã... Bên cạnh đó, để "lấp" khoảng trống này, theo Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, các đội thông tin cổ động, tuyên truyền, các đội chiếu bóng lưu động, các đoàn nghệ thuật về các vùng sâu, vùng xa để biểu diễn, phục vụ công chúng đông đảo.


Bên cạnh việc sa đà vào những thú vui thiếu lành mạnh, thì trên thực tế một bộ phận giới trẻ hiện đang bị thu hút khá mạnh vào phim ảnh thị trường cả trong nước lẫn ngoài nước, xa rời với nghệ thuật truyền thống, với những giá trị nghệ thuật đích thực. Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động trong đời sống văn hóa hiện nay. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, đây cũng lại là câu chuyện của cả truyền hình và báo chí. "Chúng ta gắn với nhau, giữa văn hóa và thông tin như anh em một nhà. Chúng tôi đề nghị các đài truyền hình và các cơ quan báo chí cũng phải nhập cuộc với chúng tôi. Nghĩa là phải tuyên truyền mạnh hơn, phải dành cho các chương trình nghệ thuật truyền thống của chúng ta một chỗ đứng thích hợp, xứng đáng", Bộ trưởng nhấn mạnh.


Vấn đề thứ cuối cùng được bạn đọc quan tâm là sự đảo lộn giá trị trong việc đánh giá của một bộ phận công chúng giữa nghệ thuật chân chính, nghệ thuật đỉnh cao với một thứ tạm gọi là nghệ thuật thị trường. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, cát xê cao không phải là yếu tố quyết định, cũng như không mang lại những giá trị lớn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự "bù đắp" với những nghệ sĩ chân chính, ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... là chưa tương xứng, bởi vậy, thời gian qua, Bộ đã xây dựng 5 đề án, trong đó đặc biệt có một đề án về cơ chế chính sách đối với văn nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở các đoàn chuyên nghiệp, nhằm giúp cho đời sống của những người nghệ sĩ ngày càng tốt hơn.


NHÓM PHÓNG VIÊN