03:08 08/03/2012

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời nhiều vấn đề nóng

Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Phạm Vũ Luận đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Phạm Vũ Luận đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hàng trăm câu hỏi bám sát những vấn đề nóng hổi của ngành giáo dục được nhiều độc giả xoáy sâu, như: Chất lượng giáo dục đại học (ĐH) thấp, tình trạng mất cân đối ngành nghề, chính sách ưu đãi với nhà giáo...

Coi trọng chất lượng hơn số lượng

Chất lượng giáo dục đại học là một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm. Ông Trần Thái Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hỏi: “Hiện nay, số trường ĐH được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Trong tình hình đó, việc “thả nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên môn có phải là một biện pháp thỏa đáng không? Ông có biện pháp nào để tái cơ cấu mạng lưới các trường đại học trên toàn quốc?”. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu ra sự khác biệt giữa giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông: “Khác với phổ thông. Các trường giảng dạy theo kế hoạch và chương trình thống nhất, các trường ĐH, CĐ đào tạo các ngành nghề khác nhau, nên có tự chủ cao hơn. Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Với trường nào mà số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, thì trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do Bộ GD - ĐT chỉ định để đề nghị các trường này hướng dẫn, hỗ trợ… Toàn bộ việc mở ngành tại các trường chưa tự thẩm định được chương trình sẽ do Bộ quyết định. Còn các trường lớn thì tự xem xét, Bộ sẽ thẩm định”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Kiểm định là công tác quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt. Chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã ban hành các văn bản nhưng chưa đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện. Bộ GD – ĐT cũng cử cán bộ đi học nước ngoài về lĩnh vực này. Dự án Luật Giáo dục đại học có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường ĐH.

Cùng quan tâm chất lượng giáo dục ĐH, bà Lê Thị Nga (Hà Nội) hỏi: “Hiện nay, nhiều trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh với số điểm rất thấp, cùng với đó là những hạn chế về trình độ của đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Vậy công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường đại học này được Bộ GD - ĐT tiến hành ra sao để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội, năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Trên cơ sở đó, Bộ GD - ĐT đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu các thầy cô ở trường còn thiếu điều kiện, và quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng. Bộ sẵn sàng tạo điều kiện để các các thầy cô giáo, kể cả các trường ngoài công lập, có thể tham gia các chương trình, đề án đào tạo giáo viên trình độ cao đã và sẽ mở trong thời gian tới. Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, chủ động quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 3 và 4, lấy chất lượng làm mục tiêu, nâng cao chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu, Bộ GD - ĐT đang triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường, trong đó có các trường ngoài công lập”.

Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, Bộ GD - ĐT, đang tổ chức các đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua, trước mắt là 80 trường.

Giáo viên vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn

Vẫn phát hành cuốn “Những điều cần biết...” Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết, thông tin Bộ không phát hành “Những điều cần biết...” vừa đúng, vừa không đúng. Bộ không phát hành tài liệu về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường mà các trường tự đăng ký trên cơ sở các điều kiện, yêu cầu của Bộ. Bộ giao cho Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản cuốn sách này và vẫn do các vụ, cục cân chỉnh các thông tin. Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số lý do, như còn có sai sót cần điều chỉnh, một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Giang) hỏi: “Mặc dù đã có chế độ ưu đãi nhưng đến nay đời sống của giáo viên vùng cao còn rất khổ cực, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương không đủ sống, có nơi giáo viên không biết đến tiền thưởng Tết là gì. Vậy làm sao giáo viên tâm huyết được với nghề, thưa Bộ trưởng?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Hiện nay, đã có một số phụ cấp với giáo viên, với vùng cao đã có phụ cấp thu hút, cao nhất lên tới 70%. Tuy nhiên, những khó khăn của các thầy cô, của học sinh tại các vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Tôi xin chia sẻ những khó khăn này. Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng.

Từ Thanh Hóa, một câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng: “Cơ sở vật chất, đặc biệt là trường lớp và nhà công vụ giáo viên, tại huyện Mường Lát nói riêng và các vùng sâu, vùng xa nói chung vẫn rất khó khăn. Biện pháp khắc phục tình trạng này là gì, thưa Bộ trưởng?”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: Tôi đã đến Mường Lát và tôi thấy ý kiến của độc giả rất đúng. Chính phủ đã có chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ, đã triển khai và có kết quả đáng mừng. Năm 2012, dù kinh tế khó khăn, Chính phủ vẫn dành một phần kinh phí đáng kể, khoảng 1.600 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa lớp học và đây là sự quan tâm lớn dù so với nhu cầu là chưa đủ. Với nhà công vụ, theo tôi biết, nhiều nơi các thầy cô giáo đến công tác phải ở nhờ nhà dân, ở cạnh lớp học… Để giải quyết vấn đề nhà ở công vụ phải làm từng bước vì nhu cầu lớn, kinh phí thì dù đã được rất quan tâm nhưng cũng chưa thể đáp ứng hết được. Bộ GD - ĐT sẽ cùng các địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực chương trình kiên cố hóa nhà công vụ và trường lớp của Chính phủ.

Chia sẻ về cảm xúc khi kết thúc buổi đối thoại, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Tôi bất ngờ trước những câu hỏi khá lý thú. Đó là những câu hỏi tỏ rõ sự hiểu sâu những việc có tính chất chuyên môn của ngành giáo dục”.

Lê Vân (ghi)