11:23 12/11/2012

Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng trả lời chất vấn

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các nghị quyết của Quốc hội, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Sáng 12/11, Quốc hội họp tại hội trường, bắt đầu phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.


 

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã có 162 ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi chất vấn đến Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhiều câu hỏi đã được trả lời bằng văn bản. Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trực tiếp là: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thêm với Quốc hội về những vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

 

Công tác giải quyết kiến nghị của cử tri có tiến bộ


Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.


Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.732 kiến nghị của cử tri cả nước. Sau khi phân loại các kiến nghị đã được giải quyết tại kỳ họp trước, 1.675 kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nội dung kiến nghị của cử tri đề cập tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các ý kiến chủ yếu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sớm có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; quản lý, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại; sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; quản lý và sử dụng có hiệu quả đất nông, lâm trường, tài nguyên khoáng sản; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa và chống tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí…


Nhìn chung, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời khá đầy đủ, kịp thời kiến nghị của cử tri. Một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước đã được Chính phủ, các bộ, ngành, tiếp thu, giải quyết kịp thời.

 

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn


Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai và thứ ba, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các nghị quyết của Quốc hội, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, cũng có những việc còn tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.


Cụ thể như, trong lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu giảm hơn nữa tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; xác định năm 2013 là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.


Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện chương trình nông thôn mới.


Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công, đặc biệt là từ vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; gắn kết chặt chẽ việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay… Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hóa và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ngoài việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ cũng đã tiến hành rà soát, xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công - tư, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.


Trước tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, thị trường nội địa phát triển chậm, kiểm soát nhập khẩu còn nhiều hạn chế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn; khẩn trương thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại; nâng cao hiệu quả hệ thống phân phối; chú trọng công tác thông tin thị trường; tiếp tục tháo gỡ về tín dụng cho xuất khẩu; xem xét điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế và thủ tục xuất nhập khẩu.


Về phát triển thủy điện, hiện đang nổi lên một số vấn đề bức xúc như: Việc bảo đảm an toàn hồ đập, công tác tái định cư, bảo vệ môi trường, sự kết hợp giữa sản xuất điện với các mục tiêu khác… Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp: Tiếp tục kiểm định an toàn hồ chứa thủy điện định kỳ; rà soát điều chỉnh quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông, quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ; kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và cấp nước vùng hạ du. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá lại thiết kế các công trình thủy điện; xây dựng và thực hiện quy trình vận hành; kiểm tra các dự án thủy điện đang thi công; kiên quyết xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng quy định về giám sát, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng công trình…

 
Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người; đẩy mạnh phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Quy hoạch, dự báo còn hạn chế


Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời vào các nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm như: Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản cho nông dân, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, công tác điều hành thị trường, giá cả, hàng tồn kho…


 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu một loạt các vấn đề về hàng tồn kho, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân như yếu kém trong khâu quy hoạch, quản lý, dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm, lãng phí trong đầu tư đẩy giá thành lên cao không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại nhập ngoại.


Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo sát sao thì tình hình giải quyết hàng tồn kho đã có chuyển biến. Từ ngày 1/6/2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo là 26%, đến ngày 1/10/2012 giảm xuống còn 20%. Hiện nay, hàng tồn kho tập trung vào vật liệu xây dựng, sắt thép, phân bón, than đá... Ngành than đã tập trung nhiều giải pháp, trong đó có điều chỉnh giá than theo cơ chế thị trường và với tình hình này, hy vọng cuối năm tồn kho của ngành than trở lại bình thường. Còn đối với thép thì hàng tồn kho khá cao do công suất nhà máy thép dư thừa và sản lượng thép nhập ngoại cũng tăng do giá rẻ. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp như tiếp tục cấp giấy phép tự động để điều hành linh hoạt và khống chế lượng nhập khẩu. Ngoài ra, ngành xây dựng, giao thông vận tải đẩy nhanh dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Bộ trưởng cũng thừa nhận vấn đề quy hoạch có bất cập, đây là điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước, trong công tác kiểm tra. Tiếp theo là việc dự báo còn hạn chế, nhất là việc khuyến cáo cho doanh nghiệp, nếu thấy tình hình dư thừa thì phải cảnh báo để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Kim Bé (Kiên Giang) về hàng giả, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận dù có nhiều cố gắng, việc quản lý hiện vẫn còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ, việc xử lý hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe nên vi phạm vẫn tái diễn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan, quy định về chất lượng sản phẩm, xử phạt hành vi vi phạm, nâng cao đạo đức cán bộ quản lý, giáo dục cộng đồng...


 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Đề cập tình trạng kinh doanh xăng dầu hiện chưa có thị trường cạnh tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh, còn làm như thế nào thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực. Tiếp lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam đã tham gia công ước Kyoto thì việc tạm nhập tái xuất xăng dầu là không trái quy định, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này chiếm dụng thuế của Nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt chẽ mặt hàng này trong thời gian tới.


Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, khả năng Việt Nam xuất khẩu được 7,5 - 7,6 triệu tấn gạo, tuy nhiên giá cả còn thấp trong tương quan so sánh với một số nước. Hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thay đổi giống gạo; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ lúa gạo, từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam.


Trả lời rõ thêm về trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Xây dựng thương hiệu là vấn đề lớn, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo về vấn đề này. Thực chất xây dựng thương hiệu là nâng cao chất lượng và duy trì sự ổn định của chất lượng hàng hóa. Để làm việc này, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung vào 4 khâu: chọn tạo và phổ biến cho nông dân các giống có chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn; tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để có sản phẩm hàng hóa lớn và đồng đều với giá thành rẻ hơn; hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho dự trữ, bảo quản đảm bảo chất lượng hơn; và cuối cùng là xúc tiến thương mại.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về đời sống người dân tại các vùng tái định cư của các dự án thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Đối với đồng bào tái định cư thủy điện cần phải có cơ chế đặc thù và trong dự án thủy điện có di dân tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng để lấy mặt bằng cho công trình thì phải có hợp phần riêng về di dân tái định cư, Chính phủ giao cho địa phương thực hiện vì địa phương hiểu rõ và nắm chắc tình hình. Ngoài ra, cơ chế đối với hộ dân có 30% đất bị thu hồi có thể xem xét đưa vào đối tượng di dân cũng được thực hiện tại một số dự án thủy điện Bản Vẽ, Sông Tranh 2… Tiếp theo là vấn đề giải quyết việc làm cho bà con phải phù hợp với dân trí và điều kiện của bà con, đối với thủy điện quy mô lớn đã có dự án khuyến công, khuyến nông để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn thêm, các dự án thủy điện cũ, đã hoàn thành thì người dân vẫn còn đang gặp khó khăn, vấn đề này được giải quyết thế nào? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét tình hình thực tế, qua đó báo cáo đề xuất với Quốc hội xây dựng chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho người dân.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng


Chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung liên quan đến các vấn đề: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục hiện tượng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình; giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản; quy hoạch phát triển đô thị.


 

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên).

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Xây dựng trước tình trạng chất lượng nhiều công trình xây dựng kém, lãng phí, thất thoát... cùng với đó là những bất cập trong quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội rất quan trọng góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: Vấn đề lãng phí thất thoát, chất lượng xây dựng công trình không phải là vấn đề mới mà từ lâu vẫn là căn bệnh nan giải, khó khắc phục triệt để và nêu rõ 5 nguyên nhân chính, trong đó có nguyên nhân do chưa hoàn thiện về thể chế. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch còn thấp hoặc chưa kịp thời cũng là nhân tố gây lãng phí; công tác tiền kiểm trong đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm soát chưa hiệu quả; hạn chế về năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Trong khi đó, thiếu cơ chế để xã hội và người dâm tham gia kiểm soát phát hiện kịp thời, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý quyết liệt có tính răn đe đối với sai phạm.


Để khắc phục những hạn chế, Bộ trưởng nêu rõ: Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Một giải pháp nữa là tăng cường kiểm soát các chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu, từ tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật đến nhà thầu giám sát chất lượng để loại những nhà thầu kém năng lực, thi công, thực hiện công trình kém chất lượng; công bố thông tin để chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần mở rộng cơ chế để cộng đồng, người dân, xã hội tham gia giám sát và phát hiện, phản biện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây thất thoát trong đầu tư xây dựng.


Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về việc Tháp truyền hình tại Nam Định bị đổ trong cơn bão Sơn Tinh vừa qua gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ Xây dựng đang chỉ đạo tập trung kiểm tra tìm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.


 

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng).

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng)... về vấn đề tồn kho bất động sản và giải pháp phá băng, giải cứu thị trường bất động sản, bảo đảm lợi ích của người mua nhà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là những vấn đề lớn và có nhiều nguyên nhân. Theo số liệu báo chưa đầy đủ của Sở Xây dựng 44 tỉnh, thành phố có nhiều bất động sản, đến ngày 31/8/2012, số bất động sản tồn kho theo các tiêu chí gồm: Căn hộ chung cư là 16.469; nhà thấp tầng là 5.176 căn; đất nền 1.624.878 m2; văn phòng trung tâm thương mại 25.870 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính 40.750 tỷ đồng.


Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân thị trường bất động sản bị trầm lắng, đóng băng là do quá trình phát triển các dự án bất động sản nói riêng, trong đó có các dự án đô thị phát triển tự phát, theo phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu bất động sản rất bất hợp lý, vừa thừa bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu bất động sản phục vụ người dân thu nhập thấp. Trong khi đó vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng là chủ yếu nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao dẫn đến các dự án bất động sản bị đóng băng.
Để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản, theo Bộ trưởng vừa cần có giải pháp dài hạn là hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục việc phát triển tự phát các dự án; vừa có giải pháp ngắn hạn là cơ cấu lại các dự án, tập trung vào đầu tư nhà ở xã hội, hỗ trợ người nghèo mua nhà.


Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản ở Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế trong khi kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều ngành, ở cả Trung ương và địa phương, liên quan đến người dân, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt là địa phương và các cơ quan chuyên môn tham mưu và quyết tâm của doanh nghiệp. Tuy chưa dám hứa có giải quyết được triệt để hay không vì còn phụ thuộc vào cung - cầu nhưng Bộ trưởng tin tưởng: “Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ấm lên cùng sự hồi phục của nền kinh tế”.


Sáng nay (13/11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về xây dựng.

 

TTN