02:08 14/02/2012

Bố trí giờ học linh hoạt, hợp lý

Sau 10 ngày đổi giờ học, giờ làm, nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trước đây đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, lại phát sinh một số điểm ùn tắc mới, nhất là tại các tuyến phố có trường học.

Sau 10 ngày đổi giờ học, giờ làm, nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trước đây đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, lại phát sinh một số điểm ùn tắc mới, nhất là tại các tuyến phố có trường học. Nguyên nhân chính là do việc đưa đón học sinh vào giờ tan trường, đã gây ùn tắc cục bộ. Trước thực tế này, Hà Nội sau khi tổng hợp ý kiến các sở, ngành về phương án đổi giờ học, bắt đầu điều chỉnh giờ tan học của khối THPT là 18 giờ thay vì 19 giờ, khối THCS kết thúc giờ học trước 17 giờ 30. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường linh hoạt điều chỉnh giờ tan trường có thể khắc phục được tình trạng này.

Khó tránh khỏi ùn tắc

Ngày 10/2, Liên ngành Sở GTVT và GD&ĐT có hướng dẫn số 3168/LN/SGD&ĐT-SGTVT về việc thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, học tập trong các trường học thực hiện từ ngày 13/2/2012. Theo đó, các bậc phụ huynh có thể đón các em học sinh trước 17 giờ để tránh gây ùn tắc cục bộ trên một số tuyến phố. Để giãn được thời gian chuyển giao giữa 2 ca học, các trường THCS có thể bắt đầu giờ học buổi sáng sau 7 giờ 30, kết thúc giờ học buổi chiều trước 17 giờ 30. Đối với các trường THPT, giờ học buổi sáng bắt đầu trước 7 giờ và kết thúc sau 18 giờ. Các trường phổ thông có nhiều cấp học, có xe ô tô đưa đón học sinh được chủ động chọn giờ học theo các cấp học để phù hợp với điều kiện của từng trường. Việc điều chỉnh này nhằm làm giảm mật độ phương tiện đưa đón học sinh của phụ huynh giờ tan trường trên các tuyến phố, hạn chế ùn tắc.

Phố Tạ Quang Bửu ùn tắc khi học sinh tan trường. Ảnh: Tiến Hiếu


Tuy nhiên, theo đại diện của Sở GTVT Hà Nội, tình trạng ùn tắc không phải bắt nguồn chủ yếu từ nguyên nhân điều chỉnh giờ học khiến các bậc phụ huynh đưa đón học sinh tại các trường học gia tăng, mà do nhiều nguyên nhân khách quan trong bối cảnh giao thông thủ đô đường chật, phương tiện đông và đang phải từng bước thực hiện các giải pháp giải quyết ùn tắc đồng bộ. Tại buổi họp đánh giá hiệu quả về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm mới đây của thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã khẳng định: Việc điều chỉnh lại giờ học lần này chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để khi không đạt kết quả lại đánh giá biện pháp này chưa hiệu quả. Điều quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông cần có sự đồng lòng, chia sẻ và hưởng ứng, vì dù bằng phương án nào cũng sẽ làm thay đổi thói quen, nên khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc đổi giờ học, giờ làm mới chỉ được thực hiện hơn 10 ngày, nên chưa thể có đánh giá tổng thể. Đây chỉ là giải pháp tình thế, nhằm góp phần làm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng ùn tắc này thì cần giải pháp tổng thể từ quy hoạch, nâng cấp hạ tầng giao thông, vận tải công cộng đến văn hóa giao thông... Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, giải pháp đổi giờ học, giờ làm hiện nay không thể thay thế các giải pháp khác mà Hà Nội đang nỗ lực triển khai, trong đó có việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như hoàn thành khép kín các đường vành đai, các trục hướng tâm chính để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu giao thông từ khu vực nội đô ra bên ngoài và ngược lại, cũng như tách được các luồng giao thông quá cảnh không cho đi qua khu vực nội đô. Do đó, Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh.

Ghi nhanh chiều 13/2

Phóng viên báo Tin Tức đã có mặt tại nhiều tuyến phố thuộc các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm..., nơi có nhiều khối các trường học “đóng đô” để phản ánh nhanh thực tế việc điều chỉnh lại giờ tan trường. Một điều có thể thấy rõ là tại nhiều trường, tình trạng phụ huynh học sinh đến giờ tan trường, dàn hàng ngang, dừng đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường để chờ đón học sinh ra về rất hỗn độn. Như vậy, thì dù là vào giờ nào cũng có thể gây ùn tắc cho cả tuyến phố. Nhiều chiến sỹ CSGT túc trực phân luồng đường tại các ngã ba, ngã tư, ngã năm đều buộc phải bố trí nhân lực đến khu vực các cổng trường để chỉ dẫn từ xa.

Tiếp xúc với các em học sinh tại 2 trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng trên phố Hồng Mai, nhiều em mong muốn giữ nguyên giờ học như trước, tức là tan lúc 19 giờ và cho rằng sau gần 2 tuần thay đổi giờ học, các em đã quen với nếp sinh hoạt mới, giờ lại thay đổi gây ra những khó khăn cho các em. Thầy Dương Trí Chương, giáo viên môn Toán trường Đoàn Kết đề xuất: "Buổi sáng đã học sớm hơn, tan sớm hơn thì buổi chiều cũng nên học sớm hơn. Có thể vào lớp lúc 12h15 và tan học lúc 17 giờ kém 15. Chứ tan trường lúc 18 giờ vẫn là giờ cao điểm, thì sẽ không cải thiện được gì".

Tại Trường THPT Thăng Long trên phố Tạ Quang Bửu, đúng 18 giờ học sinh mới tan học, nên tuyến phố này trở nên ùn tắc do đúng đoạn đường cua tay áo, học sinh tan đông. Còn tại Trường THPT Nhân Chính trên đường Vũ Trọng Phụng, học sinh khối chiều tan học lúc 18 giờ, nhưng tuyến phố này bị ùn tắc từ lúc 17 giờ và đến hơn 18 giờ vẫn tắc. Theo lời các em học sinh, ra về sau 19 giờ thì không bị tắc, hôm nay tan trường lúc 18 giờ thì lại bị tắc...

Linh hoạt điều chỉnh

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sau gần 2 tuần thực hiện giờ học mới, từ ngày 13/2/2012, Sở GD&ĐT điều chỉnh lại giờ học các khối để phù hợp với lịch sinh hoạt và học tập của học sinh theo kế hoạch. Ngoài ra, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến phố có các trường mầm non, tiểu học, THCS nằm gần nhau và có thời gian dãn cách hợp lý giữa ca sáng và ca chiều của khối trường THCS, trường THPT, sẽ thực hiện linh hoạt giờ tan trường. Triển khai kế hoạch này, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có 5 đoàn đi kiểm tra các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, việc thực hiện là một quá trình, chưa thể kết luận sớm ngay được. Sở GD& ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp báo cáo cụ thể từ các trường để thực hiện những điều chỉnh phù hợp, nhằm góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cùng với thành phố.

Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết thêm: Việc triển khai giờ học mới, các cấp quản lý, các trường xử lý linh hoạt giờ học trong khung quy định hiện nay là rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của nhà trường và gia đình, Sở sẽ vừa hướng dẫn các trường học của 12 quận, huyện thực hiện giờ học mới, điều chỉnh giờ về của học sinh, vừa tiếp tục có các kiến nghị về việc điều chỉnh giờ ở các khu vực trường ven đô. Hiện nay cũng còn khá nhiều ý kiến đề xuất về đổi giờ ở khối giáo dục thường xuyên và trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với mục đích giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì các trường vẫn phải thực hiện đúng quy định của thành phố. Như vậy những đối tượng, khu vực có kiến nghị giờ học chưa hợp lý vẫn nên thực hiện theo số đông bởi hiệu quả của công tác đổi giờ học, giờ làm đã được nhìn thấy. Bên cạnh đó, việc bố trí điều chỉnh giờ học như trên chỉ áp dụng đối với giờ học chính khóa của các trường học 2 ca/ngày. Các trường có học sinh học 1 ca, có thêm một số tiết phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc tiết ngoại khóa buổi chiều thì thời gian học sẽ do các trường chủ động quyết định cho phù hợp, tránh không cho học sinh tan học vào giờ cao điểm.



“Đổi giờ không phải là phép thần”

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Đổi giờ không phải phép thần”. Không thể chỉ với đổi giờ mà hết ùn tắc, mà cùng với đó Hà Nội phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài mới cải thiện được tình hình giao thông hiện nay. Do đó, còn quá sớm để đánh giá ùn tắc là do đổi giờ. Theo yêu cầu của thành phố thì quan điểm của sở về việc đổi giờ làm, giờ học là những mặt tốt thì phát huy, còn những mặt nào chưa được thì điều chỉnh, khắc phục ngay để đảm bảo giảm những ảnh hưởng tối đa đến cuộc sống của người dân. Tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, việc thay đổi giờ học, giờ làm chỉ có thể làm giảm khoảng 5% lưu lượng người tham gia giao thông giờ cao điểm, vì vậy, sau một thời gian áp dụng, sở sẽ có những đánh giá tổng thể, trình thành phố những kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Việc thay đổi giờ học, giờ làm ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư. Hiện nay, sau một thời gian áp dụng, Thành ủy sẽ lắng nghe ý kiến của các cơ quan hữu quan để tiếp tục có sự điều chỉnh hợp lý, phát huy những mặt làm được và khắc phục những bất cập. Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để đẩy nhanh việc di dời các trụ sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành theo định hướng chung của Chính phủ, nhằm góp phần giảm ùn tắc đô thị.

Bố trí lệch giờ

Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận Hoàn Kiếm có những tuyến phố tập trung nhiều cơ sở giáo dục như Bà Triệu, Nhà Chung... Riêng phố Nhà Chung đã có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS, nếu cùng tan học một lúc theo quy định vào 17 giờ thì sẽ gây ùn tắc nghiêm trọng. Vì vậy biện pháp đặt ra ở đây là các trường cần ngồi lại với nhau để bố trí giờ tan học hợp lý của từng đơn vị trong phạm vi từ 17 giờ đến 17 giờ 30, vừa thực hiện đúng quy định của thành phố, vừa không gây ách tắc giao thông.

Nhóm PV