05:13 18/05/2017

Bộ đội Biên phòng giúp dân làm kinh tế

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, Bộ đội Biên phòng không quản khó khăn, vất vả “4 cùng” với dân bản, xây dựng các mô hình sản xuất, cầm tay chỉ việc, giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bò giống cho hộ nghèo biên giới

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng giúp dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế dần vươn lên thoát nghèo ở các xã biên giới một cách bền vững, năm 2009, Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) khảo sát, lập kế hoạch đề nghị với Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lai Châu hỗ trợ để xây dựng điểm chăn nuôi và trồng cây ăn quả tập trung tại bản Phí Chi A.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sủ cách chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Dựa trên bản kế hoạch, và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Pa Vệ Sủ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã nhất trí và ủng hộ cao. Sau khi thống nhất với cấp ủy và UBND huyện Mường Tè đã chọn địa điểm, Đồn biên phòng đã vận động nhân dân, các cơ quan sự nghiệp trên địa bàn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị phát nương, san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại và nhà ở. Hội chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 25 con bò giống; Thông tấn xã Việt Nam hỗ trợ 30 triệu đồng để dựng chuồng trại, nhà ở cho đội công tác. Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ phát động quyên góp và đầu tư thêm 5 con bò giống, cây ăn quả và cử 5 cán bộ xuống đóng chốt để hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từng mùa sinh sản, bò mẹ đẻ con, số lượng ngày một nhiều qua từng năm.

Hiện nay, các hộ dân tham gia chăn nuôi cùng bộ đội biên phòng đã được chia bò về nhà và được hướng dẫn tự chăn nuôi, trang trại chỉ còn 9 con bò và 10 dê để tổ công tác biên phòng cùng 6 gia đình tham gia chăn nuôi.


Thiếu tá Lương Xuân Hà, Đồn trưởng Đồn Pa Vệ Sủ chia sẻ: “Đây là mô hình thành công của bộ đội biên phòng xây dựng để hướng dẫn đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới phát triển kinh tế chăn nuôi đàn gia súc. Bước đầu triển khai nuôi tập trung, không có hộ nào tự mua con giống, nhưng bây giờ cả bản Phí Chi A và Phí Chi C có khoảng trên 50 hộ chăn nuôi bò giống, người nhiều nuôi 5 con, hộ ít nuôi 1 con. Bộ đội biên phòng hàng tuần xuống nhà các hộ chăn nuôi để kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc”.


Thiếu tá Hà cho biết, nguồn thức ăn của bò được bà con tận dụng tại chỗ, cỏ ở ven đồi rất nhiều; rơm gặt xong thì gom lại đánh thành đống tại ruộng, nương và đưa về làm thức ăn cho bò không để phí như ngày trước. Mục tiêu cụ thể của dự án trại bò là tạo điều kiện để tận dụng thời gian nông nhàn, hình thành ý thức tự giác làm kinh tế dần vươn lên thoát nghèo của bà con nơi đây. Ngoài mô hình chăn nuôi bò, Đồn Pa Vệ Sủ đang thực hiện các mô hình trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá... để người dân tham gia và học theo.


Điểm tựa cho đồng bào dân tộc


Đồn biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu quản lý 19 km đường biên giới và phụ trách địa bàn 3 xã biên giới: Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sang. Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Bộ đội Biên phòng làm đường giao thông bê tông liên bản, giúp người dân đi lại thuận lợi.


Để nắm bắt tình hình địa bàn, xây dựng niềm tin của nhân dân, các chiến sĩ biên phòng thường xuyên bám cơ sở giúp dân phát triển kinh tế, khám chữa bệnh và vận động đồng bào dân tộc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Vàng A Lùng, Trưởng bản Sểnh Sảng A cho biết: “Cán bộ biên phòng thường xuyên xuống bản khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hướng dẫn bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường và dạy cách làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


Thông qua những buổi vận động, tuyên truyền của cán bộ biên phòng, bà con dân bản nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, con cái được đi học”.


Thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ biên phòng bám địa bàn, làm tốt công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm nên trong những năm qua, Đồn Biên phòng Dào San đã phá được nhiều vụ án nhờ nguồn tin của người dân. Thiếu tá Trương Minh Đức, Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Dào San khẳng định: “Đồn Biên phòng Dào San quản lý địa bàn rộng và phức tạp, giao thông cách trở, nếu không dựa vào nguồn tin tố giác tội phạm của bà con dân bản thì khó triệt phá thành công nhiều vụ án ma túy, buôn bán người qua biên giới. Phát huy truyền thống “Quân với dân như cá với nước”, Đồn Biên phòng Dào San thực sự là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào dân tộc khu vực biên giới”.


“Cõng cây” thoát nghèo về với bà con


Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai) là xã biên giới với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 38%, tỷ lệ hộ nghèo cao, dân trí thấp. Gần 20 năm công tác ở các đồn biên phòng huyện Mường Khương, năm 2007, thượng tá Trần Xuân Khánh được điều động về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tung Chung Phố.

Người dân Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai) thu nhập cao nhờ trồng cây quýt.

Dù đã làm Phó bí thư Đảng ủy xã Tả Ngài Chồ, quen với cơ sở, nhưng anh vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Xã giáp biên giới nên tình hình an ninh chính trị còn nhiều phức tạp, nhiều thôn vẫn “trắng” đảng viên. Cộng thêm trình độ canh tác của bà con lạc hậu, đời sống người dân nhiều thiếu thốn... Thượng tá Trần Xuân Khánh đi khắp các thôn bản thăm hỏi, nắm bắt tâm tư của bà con.

Thượng tá Trần Xuân Khánh cho biết: “Về Tung Chung Phố, việc đầu tiên tôi làm là vận động cán bộ địa phương từng bước thay đổi lề lối làm việc. Nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gần gũi nắm bắt tâm tư của người dân để tiến tới xóa đói giảm nghèo”.


Trăn trở với cây thoát nghèo cho bà con Tung Chung Phố, thượng tá Khánh đã tìm hiểu, thấy nhiều nơi cùng thổ nhưỡng trồng cây quýt mang lại kinh tế cao nên quyết tâm đưa về trồng thử. Năm 2009, thượng tá Khánh “cõng” cây quýt về đỉnh Dề Thàng, nhưng người dân còn lạ lẫm với cây này nên ít người mặn mà nhận trồng. Thượng tá Khánh cần mẫn đi vận động, quyết tâm để phát triển cây quýt, giúp dân nâng cao thu nhập.


Ông Pờ Sí Hòa ở thôn Dề Thàng là đảng viên đi tiên phong đăng ký trồng. Năm 2015, sau 5 năm trồng, cây quýt đã bén duyên với đất, vườn quýt nhà ông Hòa sai trĩu quả. Thu hoạch, trừ chi phí để ra gần 200 triệu đồng tiền lãi. Sau vụ đầu, gia đình ông Hòa đã bán thêm con trâu, cộng thêm tiền vốn tiết kiệm được để mua 3.000 cây quýt giống tiếp tục trồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, người dân đua nhau đăng ký với chính quyền, đầu tư để trồng cây quýt.


Thượng tá Khánh cho biết: “Toàn xã hiện có 100 hộ trồng 120 ha quýt, 7 ha đã cho thu hoạch. Giá quýt bán tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu có người mua tới đó. Thời gian tới, xã sẽ mở rộng thêm diện tích trồng quýt để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Tung Chung Phố không những thoát nghèo mà còn có cơ hội làm giàu”. Dẫn chúng tôi thăm vườn quýt nhà ông Hòa sai chi chít quả, anh Khánh cho biết sẽ đăng ký thương hiệu “Quýt Mường Khương”.


Gần 10 năm từ ngày thượng tá Trần Xuân Khánh được tăng cường về xã, Tung Chung Phố đã có nhiều thay đổi. Con đường đi về các thôn đã được mở rộng, trải nhựa. Những bãi đất hoang đã thành ruộng trồng ngô, lúa và rau màu. Tỷ lệ hộ nghèo từ 78% năm 2010 đến nay giảm xuống còn gần 40%. Đây là nỗ lực không ngừng của anh Khánh và chính quyền, nhân dân địa phương.


Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai: 

Bộ đội Biên phòng “3 bám, 4 cùng” ở biên giới

Cán bộ tăng cường là những người gắn bó với địa bàn biên giới, thường xuyên thực hiện “3 bám, 4 cùng”, nên rất hiểu phong tục, tập quán, điều kiện canh tác sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Cán bộ biên phòng tăng cường tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh có nhiều thuận lợi. Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng bào dân tộc vừa học được cách chăn nuôi, trồng trọt và nhân rộng mô hình này ra nhiều hộ để phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã vùng biên giảm, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, giao thông đi lại thuận lợi và tình hình an ninh biên giới được giữ vững... Bằng những việc làm thiết thực, lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường đã và đang góp phần tiếp tục xây dựng hình ảnh người chiến sĩ biên phòng đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới”.

Trung tá Hà Công Hải, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu):

Xây dựng tình quân dân nơi biên giới

Đồn Biên phòng Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) quản lý 3 cột mốc và 5,665 km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Cán bộ, chiến sĩ đã bám cơ sở để xây dựng tình quân dân và bảo vệ từng mốc giới, đường biên của Tổ quốc. Muốn làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới tốt thì phải bám và dựa vào dân. Các cán bộ, chiến sĩ xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt nên gần gũi để giúp đỡ bà con. Đồn Biên phòng Mù Cả đã thành lập 2 tổ công tác tại bản Tó Khò, bản Phìn Khò ở xa trung tâm xã để bám nắm tình hình cơ sở và hướng dẫn người dân làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Những năm qua, Đồn Biên phòng Mù Cả đẩy mạnh thực hiện các mô hình khai hoang để đưa dân ra ở sát biên giới, mô hình trồng lúa 2 vụ tăng sản lượng, khám và phát thuốc miễn phí cho người dân. Ngày lễ Tết, Ban chỉ huy đồn trực tiếp thăm và tặng quà các gia đình chính sách, học sinh vượt khó học giỏi, nhận đỡ đầu 2 cháu học sinh nghèo... Từ việc nhỏ hay việc lớn, khi người dân cần thì các chiến sĩ biên phòng có mặt, không quản khó khăn nhiệt tình giúp đỡ. Nhiều đơn vị, hộ dân, cá nhân cảm ơn các chiến sĩ biên phòng bằng cách xin kết nghĩa, thường xuyên đi lại như gia đình.

Thượng tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn biên phòng Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai):

 Phát huy những “cột mốc tiền tiêu” vùng biên

Đồn Biên phòng Pha Long phụ trách địa bàn xã Pha Long và xã Tả Ngài Chồ thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai) và quản lý 16,3 km đường biên giới. Tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên biên giới diễn biến phức tạp, khó lường... Dân số có 86% là người Mông, hiểu biết pháp luật hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng không quản gian khó xây dựng địa bàn, “4 cùng” để xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân” tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và truy quét tội phạm, giữ bình yên cho thôn bản. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Đảng bộ, chi bộ thôn bản, từ những năm 1999, Đảng ủy Đồn biên phòng Pha Long đã tăng cường cán bộ tham gia cấp ủy xã Pha Long và xã Tả Ngài Chồ, giới thiệu 8 cán bộ đảng viên trực tiếp xuống sinh hoạt với 8 chi bộ thôn bản yếu kém. Với sự giúp sức đắc lực, tiên phong của cán bộ biên phòng, các Đảng bộ, chi bộ dần nâng cao chất lượng hoạt động. Bộ đội biên phòng bám nắm địa bàn và tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng. Phát triển được một đảng viên người dân tộc ở khu vực biên giới, như cắm thêm “cột mốc tiền tiêu” vững chắc giữa núi rừng đại ngàn.

Ông Vàng Nhiều Trừ, 51 tuổi, dân tộc La Hủ, Trưởng bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu):

Nghe và làm theo Bộ đội Biên phòng

Những ngày đầu chọn đất, phát nương, dựng chuồng trại và trồng cây giống, anh em cán bộ chiến sĩ và người dân vừa vất vả, vừa lo lắng dự án này có thành công hay không. Nhưng bây giờ nhìn thấy cây ăn quả bám rễ, giống vật nuôi phù hợp phát triển tốt thì ai cũng phấn khởi vui mừng. Lúc đầu thay đổi nếp nghĩ của người dân là rất khó, mọi người chưa ý thức được làm ăn tập thể, cùng làm, cùng hưởng nên ngày nghỉ, ngày đi làm. Nhưng với phương châm tuyên truyền, vận động của bộ đội biên phòng “mưa dầm thấm lâu” và “bắt tay chỉ việc” để bà con thay đổi nếp nghĩ và dần họ cũng hiểu, tham gia nhiệt tình. Nếu bò đi ăn xa, dù là chiều tối thì người dân cùng với chiến sĩ biên phòng soi đèn pin đi tìm cho bằng được... Ghi nhận tình cảm và công sức của các chiến sĩ biên phòng, bà con dân bản dành tình yêu thương, đùm bọc và chở che như người con trong gia đình. Dịp lễ Tết, mừng nhà mới, đặt tên cho con... bà con đều lên đơn vị mời các chiến sĩ biên phòng về nhà chung vui. Những đợt tuần tra đường biên của bộ đội biên phòng, người dân nhiệt tình tham gia, tối ở lại giữa rừng được bà con mời vào nhà ăn ngủ.

Việt Hoàng/Báo Tin Tức