11:21 27/11/2014

Bình yên trở lại Phu Canh

Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh nằm trên địa phận huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình ) có diện tích tự nhiên trên 5.300 ha thuộc địa bàn 4 xã Đồng Chum, Tân Pheo, Đoàn kết và Đồng Ruộng. Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gien động thực vật quý hiếm, bảo vệ tính đa dạng sinh học...

Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh nằm trên địa phận huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình ) có diện tích tự nhiên trên 5.300 ha thuộc địa bàn 4 xã Đồng Chum, Tân Pheo, Đoàn kết và Đồng Ruộng. Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gien động thực vật quý hiếm, bảo vệ tính đa dạng sinh học có tầm quan trọng cấp quốc gia; rừng đặc dụng Phu Canh còn có chức năng duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ sông Đà, bảo vệ môi trường, môi sinh phục vụ sản xuất của nhân dân và góp phần bảo vệ nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Rừng Phu Canh là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm, như: sơn dương, hươu, nai, gấu, lợn rừng, các loại khỉ, sóc bay, các loại chim v.v. cũng là nơi có nhiều loại gỗ quý hiếm như: trắc, gụ, nghiến, táu, dổi, chò chỉ, thông.

Cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh kiểm tra thực địa.



Vào thời điểm cuối năm 2011, rừng Phu Canh đã bị “lâm tặc” xâm hại nghiêm trọng với 18 cây gỗ phay có đường kính từ 2 m trở lên thuộc khu vực Bưa Phay, xã Đoàn Kết bị đốn hạ với khối lượng trên 174 m3 gỗ. Ngoài 24 đối tượng bị cơ quan Kiểm lâm xử lý hành chính, có 63 người bị truy tố trước pháp luật, phần lớn là người dân xóm Thằm Luông, xã Đoàn Kết. Có gia đình cả 2 bố con, có gia đình cả 2 anh em ruột tham gia phá rừng cùng bị khởi tố. Nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước nên 100% bị cáo được hưởng án treo, trong đó, mức án cao nhất 36 tháng và thấp nhất 9 tháng. Các bị cáo phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng cho Nhà nước 463.235.000 đồng.

Anh Đào Hữu Lợi, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh chia sẻ: Mặc dù người dân phá rừng đã bị xử lý theo quy định của pháp luật bằng hình phạt, phạt tiền và không ít người đã phải bán trâu, xe máy để nộp tiền bồi thường thiệt hại nhưng nhìn những cây phay và thảm thực vật của rừng nguyên sinh đã bị tàn phá nặng nề, ai cũng xót xa. Trong đó, cũng có một phần trách nhiệm của anh em kiểm lâm chúng tôi, chỉ lơ là một chút trong khâu tuần tra kiểm soát là rừng xanh bị chảy máu.

Sau sự cố đáng tiếc này, tập thể 15 cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trước ngành và chính quyền địa phương; kịp thời đưa ra những giải pháp quản lý rừng tại gốc. Ban Quản lý đã phối hợp với chính quyền 4 xã Đoàn Kết, Tân Pheo, Đồng Chum và Đồng Kuộng, thường xuyên lồng ghép các buổi họp tại các xóm để tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho 12 thôn có ranh giới trong khu bảo tồn. Đồng thời xây dựng và củng cố 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại 4 xã với 49 thành viên tham gia. Lãnh đạo đơn vị đã phân công cán bộ kiểm lâm xuống “nằm vùng” tại cơ sở, mỗi xã hai người. Mỗi cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đều phải tự xây dựng phương án và kế hoạch bảo vệ rừng - phòng chống cháy rừng; chủ động phối hợp với tổ đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng ở xã, xóm tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản trái phép ngay tại địa bàn; đồng thời xử lý các vụ vi phạm theo đúng thẩm quyền.

Bằng những cố gắng đó, khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã bình yên trở lại, lá phổi xanh của vùng cao Đà Bắc được bảo vệ tốt hơn. Phó Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn Phạm Trần Thao cho biết: Mấy năm nay, rừng Phu Canh không có đám cháy nào xảy ra. Năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, trong khu bảo tồn chỉ xảy ra 3 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý kịp thời phát hiện, phá hủy một số lều lán, lập biên bản và tịch thu 7,3 m3 gỗ xung công quỹ nhà nước.

Trở lại Phu Canh lần này, chúng tôi ghi nhận vùng rừng nóng bỏng ngày nào đã trở lại nhịp sống thường nhật, mọi người, mọi nhà lại hối hả, tất bật với công việc nhà nông. Cánh thanh niên thì đã “treo rìu, gác cưa”, những vật dụng từng gắn bó với họ để về thành phố tìm việc làm mới. Sự nghiêm minh của pháp luật không chỉ giúp những người đã từng bị gọi là “lâm tặc” ở đây tỉnh ngộ mà còn tác động sâu sắc tới nhận thức, ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường của người dân từ Thằm Luông, Lăm đến Cang, Khem những bản làng có đồi, rừng chiếm tới 2/3 diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh. Anh Đặng Văn Bình, dân tộc Dao ở xóm Thẩm Luông, người từng bị kết án 3 năm tù treo bộc bạch: Làm gỗ khổ lắm, làm được một đồng ăn hết hai đồng, mình thôi chặt cây rừng rồi. Nghe lời cán bộ kiểm lâm, mình tham gia vào tổ quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền cho bà con thấy rõ tác hại của việc phá rừng, giữ lấy nguồn nước cho bản.

Cũng theo anh Đào Hữu Lợi, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh: Do đời sống của người dân vùng cao còn nghèo, dễ xâm phạm đến tài nguyên rừng. Để công tác quản lý bảo vệ rừng thực sự có hiệu quả, Ban Quản lý đang đề xuất với cấp trên xây dựng các mô hình sinh kế nhằm nâng cao đời sống người dân sống xung quanh khu bảo tồn; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm trong thời kỳ nông nhàn. Khi ấy, rừng đặc dụng Phu Canh chắc chắn sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Nhan Sinh