08:15 13/08/2014

Bình tĩnh, chủ động phòng tránh bệnh do virus Ebola

Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nào mang virus Ebola. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế và các cơ quan hữu trách, thì sự chủ động của mỗi người trong việc phòng tránh căn bệnh này cũng hết sức cần thiết.

Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nào mang virus Ebola. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế và các cơ quan hữu trách, thì sự chủ động của mỗi người trong việc phòng tránh căn bệnh này cũng hết sức cần thiết.


Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chính thức khẳng định: Đến nay, tại nước ta, chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola, song nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi - là hoàn toàn có thể.


Đồng bộ nhiều giải pháp


Tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư và khách du lịch của nước ta, công tác phòng chống chủng virus Ebola đã và đang được tăng cường.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cơ sở y tế được yêu cầu lên kế hoạch chống dịch, giám sát tại cộng đồng, chuẩn bị sẵn thuốc, hóa chất, trang thiết bị và phương tiện chống dịch theo từng cấp độ.

 

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) giám sát thân nhiệt của hành khách qua máy đo. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Tại Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Tiên Sa… được tăng cường kiểm sát, giám sát phòng chống dịch. Những hành khách đến từ các nước Tây Phi, được đặc biệt lưu ý. Các trung tâm y tế cơ sở được chỉ đạo xây dựng kế hoạch đối phó với dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để ứng phó. Các khu du lịch, nhà nghỉ, khách sạn, resort, nơi tập trung đông khách nước ngoài sinh sống, du lịch được đặc biệt quan tâm.


Tại Lào Cai, 3 tình huống dịch đã được đặt ra: Đề phòng từ xa, Xuất hiện ca bệnh xâm nhập và Bệnh bùng phát. Phương án 1, người nhập cảnh tại các cửa khẩu, đặc biệt nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh được giám sát chặt; công tác giám sát cộng đồng và cơ sở y tế được tăng cường. Phương án 2, sẽ cách ly người nghi ngờ mắc bệnh, lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tế TƯ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng cách ly, thuốc, vật tư chuẩn bị sẵn sàng; đặc biệt là túi phòng hộ cá nhân (khẩu trang, quần áo chống dịch), phương tiện vận chuyển và hóa chất khử khuẩn. Phương án 3, nếu có dịch sẽ khoanh vùng và xử lý triệt để, kịp thời, cơ sở y tế chuẩn bị điều kiện để thu dung, điều trị và nhất là rà soát các biện pháp phòng hộ cá nhân để bảo vệ nhân viên y tế cũng như người tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm bệnh.


Tại 5 cửa khẩu quốc tế ở Tây Ninh, đến nay lực lượng làm công tác kiểm dịch đã được bố trí. Hai cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát đã được cấp 3 máy đo thân nhiệt từ xa cho mọi khách nhập cảnh. Ngành y tế cũng chuẩn bị để 15/8 sẽ cùng Bộ đội biên phòng kiểm tra, lấy tờ khai kiểm dịch y tế với hành khách 4 quốc gia đang có dịch và những trường hợp có thời gian đi về từ vùng dịch.


Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại Việt Nam, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có trường hợp nhiễm bệnh. Theo đó, tình hình dịch được chia thành 3 tình huống: Khi chưa ghi nhận ca bệnh nào thì tăng cường kiểm soát để phát hiện sớm, tránh lây lan ra cộng đồng; Đã xuất hiện các ca bệnh thì khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan; Dịch lây lan ra cộng đồng thì tiến hành đáp ứng nhanh, khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực…


Theo QĐ của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh được tăng cường hoạt động. Các Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện… được chỉ đạo sẵn sàng chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất, trang thiết bị và đặc biệt là trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch. Đồng thời, ngành y tế tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu để giám sát người, phương tiện, động vật quá cảnh, nhập cảnh.
Bình tĩnh, chủ động


Theo QĐ 2941/QĐ-YT, ngành Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh theo các tình huống để người dân chủ động; đồng thời thông báo tình hình dịch một cách thường xuyên, không để người dân hoang mang, lo lắng.


Trong phiên họp khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các bộ, ban ngành chức năng, bên cạnh việc chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có những nỗ lực cao nhất để chủ động, khẩn trương ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: công tác thông tin tuyên truyền về dịch bệnh phải bảo đảm sự cập nhật, kịp thời song hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong người dân. Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8/2014 chỉ đạo: Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động tuyên truyền, thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây bệnh, mức độ nguy hiểm và các biện pháp để người dân biết, bình tĩnh, chủ động phòng chống.


Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó GĐ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế đang theo dõi cập nhật chặt chẽ tình hình căn bệnh này và có các biện pháp giám sát chặt chẽ. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, với diễn biến hiện tại, người dân không nên hoang mang lo lắng mà cần tích cực tham gia quá trình phòng chống dịch, trước mắt là giữ gìn vệ sinh chung nhằm hạn chế khả năng lây truyền của virus. Tại Lào Cai, song song các giải pháp phòng bệnh, Sở Y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền, trong trường hợp dịch bệnh lây lan vẫn đưa các khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang, lo lắng và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi cần.


Trên quy mô toàn quốc, Tổng Cục du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cân nhắc, tạm dừng việc đưa khách đi du lịch đến các nước đang bùng phát dịch bệnh Ebola, quan tâm tới sức khỏe du khách, thông tin đầy đủ cho khách du lịch về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khi đón các đoàn khách quốc tế, nhất là từ các thị trường liên quan tới dịch bệnh thì doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe cho hành khách. Các cơ sở lưu trú triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách lưu trú và thông tin kịp thời các dấu hiệu bất thường.

T.H