11:07 20/11/2014

Binh sĩ Côte d’Ivore biểu tình đòi lương bị nợ

Hàng trăm binh sĩ Côte d’Ivore (Bờ Biển Ngà) ngày 19/11 đã biểu tình rầm rộ, xông cả vào một đài phát thanh truyền hình ở thành phố Bouake để phát thông điệp đòi lương bị nợ.

Hàng trăm binh sĩ Côte d’Ivore (Bờ Biển Ngà) ngày 19/11 đã biểu tình rầm rộ, xông cả vào một đài phát thanh truyền hình ở thành phố Bouake để phát thông điệp đòi lương bị nợ.

Số binh sĩ này không mang theo vũ khí khi xông vào đài truyền hình. Họ cho biết chỉ muốn đài truyền hình phát đi một thông điệp về yêu cầu của họ, đó là đòi tiền lương họ bị chính phủ nợ theo thỏa thuận hòa bình năm 2007. Đài truyền hình không bị cướp phá và số binh sĩ này đã rời đi.Về sau, một phát ngôn viên của chính phủ tên là Affoussy Bamba xác nhận quân đội không chiếm đóng khu vực đài truyền hình ở Bouake.

Binh sĩ chặn một con đường ở Abidjan. Ảnh: AFP


Biểu tình còn lan sang cả các thành phố khác như thủ phủ kinh tế Abidjan, thành phố Ferkessedougou và Khorogo ở miền bắc, Bondoukou và Abengourou ở miền đông. Binh sĩ ở Abidjan không mang vũ khí, đeo mặt nạ, sơn mặt trắng và dựng rào chắn đường. Một sĩ quan ở Abidjan tuyên bố: “Nếu yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng, chúng tôi sẽ tấn công các ngân hàng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Côte d’Ivore, Paul Koffi Koffi, đã ra lệnh cho binh sĩ quay trở lại vị trí sau khi họ làm tắc nghẽn giao thông ở thành phố Abidjan. Ông Koffi xuất hiện trên truyền hình quốc gia yêu cầu các binh sĩ ngừng biểu tình ngay lập tức, đồng thời thông báo một loại biện pháp nhằm xoa dịu tình hình, trong đó có cả việc trả tiền lương và phúc lợi còn nợ hơn 9.000 binh sĩ, đồng thời đối thoại với họ trong ngày 19/11.

Một số binh sĩ đòi tiền lương khi họ phục vụ trong lực lượng nổi dậy chống cựu Tổng thống Laurent Gbagbo. Số khác muốn thăng chức, lợi tức và khoản tiền thưởng 9.500 USD mà họ được hứa cách đây ba năm khi chiến đấu ủng hộ cho ông Allassane Ouattara, hiện là tổng thống. Tổng thống Ouattara bị cáo buộc là chưa hành động đủ mạnh để hàn gắn chia rẽ sắc tộc và chính trị sâu sắc. Các cuộc biểu tình cho thấy quân đội Côte d'Ivore vẫn bấp bênh sau 3 năm chấm dứt cuộc khủng hoảng dai dẳng.

Nhật Huy