Bình Phước vừa thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 800 triệu USD; thu hút từ 1 – 2 doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn, có công nghệ và xuất đầu tư cao vào các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thu hút và phát triển 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ: điện tử; dệt – may; sản xuất lắp ráp ô tô; da – giày; cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi cho biết: Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm từng bước cung ứng nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, qua đó tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp của tỉnh theo hướng vừa mở rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các phân ngành công nghiệp hỗ trợ điện – điện tử; lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo để bổ trợ phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Trần Văn Mi, UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút, kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đến Bình Phước đầu tư, nhằm tạo làn sóng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển theo.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho xúc tiến đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách và cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước chủ trì phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới. Hướng dẫn các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận và tham gia chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận chính sách về khoa học và công nghệ nhằm tăng cường khả năng đáp ứng khoa học công nghệ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác để chuyên môn hóa sản xuất các linh kiện, phụ tùng với số lượng lớn tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo đảm yêu cầu chất lượng của nhà lắp ráp, tiến tới hoàn thiện các mẫu sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, cả về số lượng và chất lượng để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.
Sở Xây dựng tổ chức quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội để thu hút và giữ chân nguồn lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao. Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì bố trí quỹ đất cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực
Ở góc độ quản lý ngành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước Võ Sá cho biết, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngày càng mở rộng về quy mô và nâng cao công nghệ sản xuất, đóng góp lớn vào tỷ trọng phát triển công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và GRDP của địa phương.
Các doanh nghiệp này đang tập trung sản xuất các dòng sản phẩm linh kiện và phụ tùng, phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo, tiêu dùng; từng bước hình thành được hệ thống các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ. Đồng thời, tiếp nhận các hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất có các hợp đồng thầu phụ với nhà sản xuất chính, các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ không phải đầu tư vào sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối, mà vẫn có thể tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao.
Hiện nay, tỉnh hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực. Cùng đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn; khai thác tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho công nghiệp hỗ trợ khi phát triển thêm sản phẩm mới và thêm thị trường mới.
Bình Phước còn tập trung thu hút toàn diện nhưng có thứ tự ưu tiên các phân ngành, doanh nghiệp trong phân ngành có công nghệ cao, suất đầu tư cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa của tỉnh nhà cũng như của cả nước.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với quy hoạch của Quốc gia, của vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh. Đồng thời, lấy doanh nghiệp lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng nhằm góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh.