03:11 25/03/2011

Bình ổn thị trường phân bón

Do phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, trong thời gian qua, giá phân bón trong nước đã tăng lên đáng kể. Giá phân bón tăng khiến chi phí đầu vào tăng theo, làm cho người nông dân thêm nhiều lo lắng.

Do phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, trong thời gian qua, giá phân bón trong nước đã tăng lên đáng kể. Giá phân bón tăng khiến chi phí đầu vào tăng theo, làm cho người nông dân thêm nhiều lo lắng.

Giá tăng gần 20 - 30%

Hiện nay, miền Bắc đang vào vụ đông xuân, miền Nam chuẩn bị cho vụ hè thu. Vì nhu cầu phân bón tăng mạnh nên giá bán mặt hàng này cũng tăng theo. Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, giá đạm urê trắng hiện ở mức 10.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với trong Tết Nguyên đán, đạm hạt vàng trước đây chỉ có 11.000 đồng/kg giờ lên 13.000 đồng/kg, lân Lâm Thao từ 4.200 đồng/kg lên 4.700 đồng/kg, lân hạt vàng Đầu Trâu 15.000 đồng/kg…

Chủ một đại lý kinh doanh phân bón ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, kể từ đầu tháng 3/2011, khi Nhà nước quyết định tăng giá điện, tăng giá xăng dầu và tỷ giá đồng USD/VND, giá các mặt hàng phân bón cũng tăng thêm 10%. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của người nông dân vì chi phí vật tư nông nghiệp mỗi ngày một tăng.

Bốc xếp, vận chuyển phân bón sản xuất tại Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 2/2011 Việt Nam đã nhập khẩu 520.000 tấn phân bón, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, về giá trị tăng tới 40%. Hiện nay, sản lượng phân hóa học sản xuất trong nước đạt 6,2 triệu tấn, mới đáp ứng được 68% nhu cầu. Lượng phân bón còn thiếu hụt phải nhập khẩu là 2,6 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do phải nhập khẩu từ bên ngoài nên thời gian qua, giá phân bón trong nước đã tăng lên đáng kể vì giá thế giới tăng mạnh.

“Hy vọng, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Nhà nước sẽ bình ổn được giá phân bón. Còn chúng tôi sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tốt nhất. Vì nếu chúng ta đầu tư tập trung cho thâm canh tăng năng suất thì sẽ đẩy được sản lượng lên”, ông Ngọc nói.

Bình ổn giá phân bón

Chính phủ đã đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thì việc làm này còn mang nặng tính hành chính, hình thức. Do đó, trong thời gian tới, để nhanh chóng bình ổn thị trường phân bón trong nước, việc chủ động nguồn dự trữ phân bón có vai trò rất quan trọng.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc. Các doanh nghiệp này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng ưu tiên, kho bãi hay tiếp cận nguồn cung ngoại tệ.

Để bình ổn thị trường phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc, cho biết: Cục đang phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón như Tập đoàn Hóa chất dầu khí tiến hành bình ổn giá mặt hàng này. Hướng bình ổn là các doanh nghiệp cam kết mức giá bán hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Trước mắt, Cục Trồng trọt khuyến khích các doanh nghiệp và các địa phương thực hiện bình ổn giá thông qua các đợt bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng với giá hợp lý, giảm bớt khâu trung gian.

Ông Ngọc cũng khẳng định, nguồn cung phân bón cho vụ đông xuân và sản xuất nông nghiệp của cả năm 2011 không thiếu. Cục Trồng trọt cũng đã tăng cường quản lý chất lượng phân bón, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường. Hiện nay, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng đã có hiệu lực.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải tự công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón của mình và phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng đó. Trong thời gian qua, đã phát hiện một số sai phạm ở các địa phương về vi phạm nhãn mác so với thực tế, nhưng đây chỉ là những vi phạm nhỏ.

Hữu Vinh