07:09 13/07/2011

Bình ổn giá thực phẩm

Giá các mặt hàng thịt và rau đang tăng chóng mặt trong những ngày qua. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá các loại thịt. Trước diễn biến này, sáng qua (12/7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp khẩn về kiểm soát giá thực phẩm.

Giá các mặt hàng thịt và rau đang tăng chóng mặt trong những ngày qua. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá các loại thịt. Trước diễn biến này, sáng qua (12/7), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp khẩn về kiểm soát giá thực phẩm.

Tăng giá bất thường

Theo Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2011 lạm phát ở mức 13% nhưng giá thịt gia cầm tăng tới 40 – 60%, thịt lợn tăng 70%. Hiện nay, giá thịt lợn hơi ở miền Nam là 62.000 đồng/kg, ở miền Bắc là 67.000 đồng/kg. Mức giá này của nước ta còn cao hơn so với một số nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan (khoảng 60.000 đồng/kg)...

Mua bán thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, hiện giá thịt lợn đã tăng 60 - 70% trong khi lạm phát chỉ có 13%. Do đó, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao giá thực phẩm lại tăng cao như vậy. Qua đó có các giải pháp khẩn cấp để bình ổn thị trường.

Theo ông Dương, giá thức ăn chăn nuôi bình quân từ tháng 6/2010 - 6/2011đã tăng 30 - 40%, trong khi đó thịt lợn tăng 70%, gia cầm là 40 - 60%.
“Giá cao như vậy là hơi bất thường. Nguyên nhân có thể do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng lên nhưng số hộ chăn nuôi lại giảm, hiện chỉ còn khoảng 3 triệu hộ (trước có tới 8 triệu hộ). Cung giảm, cầu tăng đã đẩy giá thực phẩm tăng”, ông Dương cho biết.

Ngoài giá thịt tăng, giá rau trên thị trường hiện cũng đang tăng nhanh. Theo Cục Trồng trọt, cơn bão số 2 vừa qua đã làm hỏng một phần lớn diện tích rau, trong khi đó sản lượng rau nhập khẩu từ Trung Quốc về nước ta cũng giảm 10% đã ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua đã làm giảm sản lượng khoảng 40% các loại rau ăn lá. Do vậy giá rau trên địa bàn Hà Nội hiện tăng khoảng 50%”.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện giá thực phẩm, nhất là thịt lợn, rau xanh, tăng giá là do thương nhân Trung Quốc đang thu gom hàng tại các tỉnh. Nhưng theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thịt lợn sữa chính ngạch sang Hồng Công (Trung Quốc), Malaixia đạt trên 2.400 tấn, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu lợn thịt để giết mổ sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch từ đầu năm đến nay khoảng 19.200 con từ tháng 1 – 3/2011, từ tháng 4 đến nay không có tình trạng xuất sang Trung Quốc do giá tương đương với Việt Nam.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình hình xuất nhập khẩu thịt thời gian qua không ảnh hưởng nhiều tới thị trường trong nước. Dịch bệnh đang được kiểm soát, xuất khẩu thịt thấp, do đó nguyên nhân chính đẩy giá thịt lợn lên cao thời điểm này chính là do quan hệ cung cầu trong nước chưa được điều hòa.

Theo Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chủ trang trại khó tiếp cận vốn từ ngân hàng vì lãi suất cao (25%). Bên cạnh đó, chăn nuôi trang trại dù có phát triển mạnh, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp sự suy giảm của chăn nuôi nhỏ lẻ (giảm 5 triệu hộ).

Nhiều giải pháp bình ổn thị trường

Để bình ổn thị trường thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, với mặt hàng thịt lợn, các địa phương nhanh chóng tăng nguồn cung thịt cho thị trường. Kiên quyết khống chế, xử lý các ổ dịch để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, các địa phương phải nắm chắc nguồn cung về con giống, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt quan tâm giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển đàn gia cầm vì vòng đời của con gà chỉ có 45 ngày, nếu tăng mạnh nguồn cung, sẽ giảm được giá thịt xuống, kéo theo giá thịt lợn giảm.

Hiện nay, giá thịt lợn ở miền Bắc đang cao hơn so với giá ở miền Nam. Vì vậy, Bộ trưởng chỉ đạo cần có biện pháp tháo gỡ lưu thông để đảm bảo điều hòa nguồn cung trên cả nước.

Về giá rau, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các địa phương kịp thời thông tin về thị trường tới người dân và điều chỉnh kế hoạch gieo trồng sớm vì cây rau ăn lá chỉ cần 15 ngày có thể thu hoạch. Có thể bổ sung thêm nguồn hạt giống cho người nông dân, mau chóng bình ổn thị trường này.

Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) kiến nghị, thời gian qua, giá cả một số mặt hàng rau xanh, thực phẩm nhất là ở các tỉnh phía Bắc đều tăng và đứng ở mức cao. Nguyên nhân một phần là do thời tiết, phần khác do hệ thống lưu thông phân phối chưa phù hợp. Vì vậy, đề nghị các tỉnh, thành phố có chương trình bình ổn giá cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện bình ổn giá, ký kết hợp đồng thu mua hàng bình ổn đến tại chân hàng, tổ chức mạng lưới bán hàng không chỉ tập trung tại siêu thị lớn mà còn tăng số điểm bán hàng lưu động, đặc biệt tại các chợ dân sinh.

Hữu Vinh