06:05 09/06/2014

Bình Định hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ

Tại Bình Định, nghề đóng tàu thuyền đang từng bước phát triển và hiện đại hóa. Ngày càng có nhiều những con tàu lớn hiện diện ngoài khơi xa để khai thác hải sản và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Tại Bình Định, nghề đóng tàu thuyền đang từng bước phát triển và hiện đại hóa. Ngày càng có nhiều những con tàu lớn hiện diện ngoài khơi xa để khai thác hải sản và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

 

Ngư dân tỉnh Bình Định chủ động đầu tư đóng mới những chiếc tàu đủ sức vươn khơi xa.

Tỉnh Bình Định có chiều dài bờ biển trên 134 km; địa hình ven biển đa dạng với hệ thống vũng, vịnh, đầm phá và cửa biển thuận lợi cho việc phát triển các cảng cá, cảng biển và khu neo đậu tàu thuyền.


Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Trong những năm gần đây, nghề khai thác cá ngừ đại dương tại địa phương phát triển khá mạnh. Đó là nhờ ngư dân trong tỉnh, đặc biệt là các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn đầu tư bình quân mỗi năm trên 500 tỷ đồng đóng mới tàu có công suất từ 400 mã lực (CV) đến trên 1.000 CV phục vụ đánh bắt xa bờ. Trong đó, năm 2012 toàn tỉnh đóng mới 158 tàu, đến năm 2013 có thêm 275 tàu và chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay ngư dân trong tỉnh đã đóng thêm 48 tàu. Như vậy, hiện Bình Định có 7.180 tàu, với tổng công suất đạt trên 1 triệu CV và bình quân công suất mỗi tàu đạt 144 CV, tăng 7 CV/tàu so với năm 2013 và 36 CV/tàu so với năm 2012. Nhờ vậy, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân năm sau đều cao hơn so với năm trước.


Đến nay, tỉnh Bình Định có 10 cơ sở đóng tàu thuyền với tổng công suất 800 tàu thuyền/năm. Trong đó, có 3 cơ sở đóng tàu lớn là Thành An và Hải Sơn (Quy Nhơn) và Tam Quan (Hoài Nhơn).


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn) cho biết: Mỗi năm, xí nghiệp nhận đóng mới từ 140 - 150 tàu thuyền có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay, xí nghiệp đã đóng mới gần 100 chiếc tàu có công suất từ 400 - 1.000 CV cho ngư dân Bình Định. Giá mỗi tàu có chiều dài 19 - 21 m trang bị máy móc ngư lưới cụ dao động từ 3 - 4,5 tỷ đồng/chiếc.


Ngư dân Lê Bá Trầm, thôn Thanh Xuân Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn cho biết: Trước đây, gia đình ông thường dùng các loại tàu từ 200 - 400 CV phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, nhưng thực tế, các loại tàu này chưa thể vươn xa, năng suất đánh bắt cũng không cao. Chính vì vậy, gia đình ông đã vay vốn ngân hàng kết hợp với phần hỗ trợ của Nhà nước, tổng cộng trên 4 tỷ đồng để đóng tàu có công suất 800 CV. Dự kiến đến cuối tháng 6/2014, ông sẽ đưa con tàu này ra khơi đánh bắt xa bờ.


Cũng trong tâm trạng háo hức chuẩn bị đón tàu mới, ngư dân Võ Đây, xã Tam Quan Bắc cho biết, cuối tháng 6/2014, ông sẽ ra khơi cùng với con tàu mới có công suất 450 CV thay thế cho con tàu cũ đã hư hỏng sau một lần gặp nạn trên biển hồi đầu tháng 1/2014.


Còn ngư dân Võ Văn Vân, chủ tàu BĐ 91378 - TS tại phường Đống Đa (Quy Nhơn) phấn khởi kể: Năm 2013; gia đình ông đã đầu tư đóng mới chiếc tàu này với công suất trên 700 CV, để chuyển nghề vây và rút chì trước đó sang câu cá ngừ đại dương, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước.


Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong những năm qua, ngư dân trong tỉnh đã phát triển đội tàu khá vững mạnh với trên 7.000 chiếc. Trong số này có trên 2.700 tàu đánh bắt xa bờ với trên 30.000 lao động. Như vậy, đến nay, tỉnh Bình Định chiếm 20% tổng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của cả nước và 50% số tàu của tỉnh đánh bắt hải sản chủ yếu ở các ngư trường truyền thống là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1.


Đặc biệt, trong thời gian, để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho ngư dân vay vốn theo gói tính dụng 3.000 tỷ đồng với lãi suất 2%/năm của Ngân hàng BIDV và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đóng tàu vỏ sắt trên 1.000 CV trở lên cho ngư dân; nâng cấp, nạo vét các bến cảng Tam Quan (Hoài Nhơn), Đề Gi (Phù Cát), Hải Cảng và đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn).


Bài và ảnh: Viết Ý