08:21 15/08/2012

Bill Gates “thách” các nhà khoa học cải tiến nhà vệ sinh

Nhà tỷ phú từng làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực máy tính cá nhân đang thách thức các nhà khoa học thế giới phát minh lại chiếc bồn cầu để phục vụ 2,5 tỉ người trên thế giới không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh hiện đại.

Nhà tỷ phú từng làm nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực máy tính cá nhân đang thách thức các nhà khoa học thế giới phát minh lại chiếc bồn cầu để phục vụ 2,5 tỉ người trên thế giới hiện không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh hiện đại. Mới đây, quỹ từ thiện do hai vợ chồng Bill Gates sáng lập đã cam kết tài trợ hàng trăm triệu USD cho việc tìm ra phát minh này.

Nhà đồng sáng lập Microsoft tin tưởng, việc phát minh lại chiếc bồn cầu vệ sinh có thể giúp cải thiện đời sống và môi trường tại các nước đang phát triển.

 

Chiếc bồn cầu nghe có vẻ là một đề tài buồn cười nhưng đây thực sự là phát minh đóng vai trò rất quan trọng đối với con người. Ông Mathews Burwell, Chỉ tịch Chương trình phát triển toàn cầu thuộc quỹ từ thiện Bill&Melinda Gates Foundation, từng nhấn mạnh: "Không một cải tiến nào trong suốt 200 năm qua mang lại hiệu quả trong việc cứu sống và cải thiện sức khỏe hơn cuộc cách mạng về vệ sinh với sự ra đời của bồn cầu. Nhưng nó mới chỉ tiếp cận được 1/3 thế giới. Chúng ta cần những ý tưởng mới".

 

Theo ước tính của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính, những dịch bệnh gây ra do hậu quả của vệ sinh không an toàn chiếm khoảng một nửa tổng số ca nhập viện trong các nước thuộc “thế giới thứ ba”. Hiện nay có tới 40% dân số trên thế giới chưa biết đến hệ thống bồn cầu xả nước và mỗi năm, 1,5 triệu trẻ em chết vì tiêu chảy do vệ sinh kém. Các nhà khoa học tin rằng, hầu hết các trường hợp tử vong này có thể được ngăn chặn thông qua một hệ thống vệ sinh đảm bảo, bên cạnh việc sử dụng nguồn nước an toàn. 

 

Chương trình “Thách thức phát minh lại toilet” (Reinventing the Toilet Challenge) được Quỹ Bill&Melinda Gates phát động khoảng một năm trước đây. Chương trình đã đầu tư hàng triệu USD cho 8 trường đại học trên thế giới để nghiên cứu và phát triển loại bồn cầu dễ ứng dụng nhất tại các nước đang phát triển.

 

Yêu cầu trước hết của bồn cầu “thế hệ mới” là nó phải hoạt động được mà không cần nguồn nước, không cần điện hay hệ thống tự hoại. Bồn cầu phục vụ “thế giới thứ ba” cũng không được xả bẩn ra môi trường, tốt nhất là có thể xử lý chất thải để lấy năng lượng, nước, và có chi phí duy trì không quá 0,5 USD/ngày.

 

Ngày 14/8/2012, các nhà lãnh đạo của Quỹ đã cam kết tài trợ 370 triệu USD để biến ý tưởng thành hiện thực. Ông Carl Hensman, Giám đốc chương trình vệ sinh dịch tễ và nước thuộc Bill&Melinda Gates Foundation, cho biết, Quỹ đã quyết định tổ chức một hội chợ bồn cầu trong tuần này để giới thiệu những gì các nhà khoa học đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời trao cho họ cơ hội học hỏi lẫn nhau cũng như mở ra khả năng hợp tác.

 

Quỹ Bill&Melinda Gates hy vọng có thể thử nghiệm những nguyên mẫu toilet mới đầu tiên trong vòng 3 năm tới. Hầu hết các mẫu dự thi, hiện đang được trưng bày trong khuôn viên thuộc trụ sở của Bill&Melinda Gates Foundation tại thành phố Seattle (Mỹ), đều có thể biến chất thải rắn thành năng lượng. Theo ông Carl Hensman thì đây cũng là giải pháp thiết thực đối với bài toán chất thải rắn nói chung.

 

Nhiều mẫu dự thi có thể tái chế chất thải thành những chất tái sử dụng như thức ăn gia súc, nước tưới tiêu, và thậm chí được chuyển thành năng lượng và nước để sử dụng trong chính hệ thống vệ sinh đó. Trong khi đó, một số mẫu, như của Clement Cid, một cựu sinh viên trường Caltech, người vùng Trouillas (Pháp), sử dụng hóa chất và cơ khí để chuyển đổi hoàn toàn chất thải.

 

Chương trình “Phát minh lại toilet” được chờ đợi sẽ mang đến triển vọng lớn trong cải thiện đời sống cũng như môi trường tại các nước đang phát triển. “Vua phần mềm” Bill Gates thậm chí còn dự đoán, kết quả của dự án này sẽ vượt ra ngoài biên giới của các nước đang phát triển: “Nếu chúng ta làm tốt, thì có khả năng một số thiết kế này cũng sẽ là giải pháp cho cả những nước giàu và trung lưu”.

 

 Thu Hằng (Theo Telegraph)