12:11 14/12/2012

Biểu tình tiếp diễn tại Ai Cập trước thềm trưng cầu dân ý

Ngày 13/12, phe Hồi giáo tại Ai Cập kêu gọi biểu tình nhằm ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi và bản dự thảo hiến pháp. Trong khi đó, các lực lượng đối lập cũng tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối cuộc trưng cầu ý dân...

Ngày 13/12, phe Hồi giáo tại Ai Cập kêu gọi biểu tình nhằm ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi và bản dự thảo hiến pháp. Trong khi đó, các lực lượng đối lập cũng tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra trong hai ngày 15 và 22/12 tới.

Liên minh Hồi giáo Ai Cập, tổ chức quy tụ 13 đảng phái và phong trào Hồi giáo, ra thông báo cho biết sẽ tổ chức một cuộc biểu tình có quy mô "hàng triệu người” trước cửa nhà thờ Rabaa Al-Adawiya tại quận Madinet Nasr ở thủ đô Cairo nhằm ủng hộ “tính dân chủ hợp pháp” của Tổng thống Morsi, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ bỏ phiếu tán thành bản dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. Theo Tổng thư ký Tổ chức Anh em Hồi giáo Mahmoud Hussein, cuộc biểu tình này sẽ bắt đầu vào 10 giờ sáng ngày 14/12 (theo giờ địa phương) tại quảng trường đối diện với nhà thờ nói trên.


Những người ủng hộ Tổng thống Morsi biểu tình ở thủ đô Cairo ngày 11/12. Ảnh: THX-TTXVN.


Trong khi đó, Phong trào Nhân dân, liên minh quy tụ nhiều đảng tự do đối lập do cựu ứng cử viên tổng thống Hamdeen Sabbahi đứng đầu, đã kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành vào ngày 14/12 trên khắp thủ đô Cairo nhằm tuyên truyền chống bản dự thảo hiến pháp. Dự kiến, các cuộc tuần hành này sẽ tập trung tại quảng trường Tahrir (Tahơria) và trước Phủ tổng thống.

Phong trào thanh niên “Mồng Sáu tháng Tư” cũng cho biết sẽ tổ chức tuần hành tại phía Đông và phía Tây thủ đô Cairo nhằm tuyên truyền tới công chúng về những “bất lợi” nếu dự thảo hiến pháp được thông qua. Ông Esra Abdel Fattah, thành viên sáng lập của đảng Hiến pháp, cho biết đảng này sẽ tham gia cuộc biểu dương lực lượng lớn của phe đối lập xung quanh Phủ tổng thống.

Trong một phát biểu phát trên truyền hình Ai Cập ngày 14/12, ông ElBaradei, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và từng đoạt giải Nobel hòa bình đồng thời là nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của Ai Cập, đã kêu gọi Tổng thống Morsi tạm hoãn cuộc trưng cầu dân ý nhằm tránh cái mà ông gọi là "bóng ma của cuộc nội chiến".

Ông ElBaradei cũng kêu gọi người dân Ai Cập nói "không" với bản dự thảo hiến pháp nếu Tổng thống Morsi không hoãn cuộc trưng cầu này. Trong khi đó, ông Ahmed Said, Chủ tịch đảng Ai Cập Tự do đồng thời là lãnh đạo Mặt trận cứu quốc (NSF) đối lập, cảnh báo rằng tình trạng bạo lực và đổ máu sẽ tiếp tục nổ ra trên các đường phố trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân.

Về vấn đề an ninh cho cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, Bộ Nội vụ Ai Cập thông báo sẽ thực hiện tất cả “các biện pháp cần thiết” để đảm bảo an ninh. Ông Osama Ismail, một quan chức của bộ này, cho biết vai trò của lực lượng cảnh sát sẽ giới hạn ở việc đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu và tạo môi trường an toàn cho các cử tri, cảnh sát sẽ không có mặt bên trong điểm bỏ phiếu trừ phi được các thẩm phán yêu cầu. Về phần mình, người phát ngôn lực lượng quân đội Ahmed Mohamed Ali khẳng định “quyền bắt giữ” theo sắc lệnh mới đây của Tổng thống Mơxi sẽ chỉ được áp dụng trong thời gian diễn ra trưng cầu ý dân nhằm duy trì trật tự công cộng.

Trong một diễn biến khác, ngày 13/12, Phó Tổng thống Mahmoud Mekky đã tổ chức cuộc đối thoại dân tộc lần thứ ba với nhiều chính khách và các chuyên gia pháp lý. Cuộc họp này tập trung thảo luận về các đề xuất sửa đổi bản dự thảo hiến pháp và cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay. Phủ tổng thống cho biết kết quả cuộc gặp này sẽ được thông báo tới tất cả các lực lượng chính trị, đồng thời nhấn mạnh cánh cửa đối thoại vẫn mở cho các lực lượng đối lập nhằm đạt được đồng thuận dân tộc về bản dự thảo hiến pháp. Tuy nhiên phe đối lập cho rằng đây là "trò lừa bịp" và khẳng định không nhận được giấy mời tham gia cuộc đối thoại này.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Tư pháp Ai Cập cho biết Ủy ban tối cao giám sát trưng cầu dân ý đã nhận được rất nhiều đơn của các thẩm phán xin tham gia giám sát cuộc trưng cầu sắp tới. Hiện mỗi điểm bỏ phiếu có tới 50 thẩm phán dự phòng. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, sau ngày bỏ phiếu đầu tiên (12/12) tại 128 đại sứ quán và 11 lãnh sự quán tại các nước trên thế giới, đã có 20.000 người trong tổng số 587.000 kiều dân Ai Cập có đủ tư cách bỏ phiếu, hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình. Dự kiến, các địa điểm bỏ phiếu ở nước ngoài sẽ tiếp tục mở cửa đến hết ngày 15/12 tới.

Bản dự thảo Hiến pháp được Hội đồng Lập hiến Ai Cập thông qua hồi tháng trước đã trở thành tiêu điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở quốc gia này kể từ khi Tổng thống Morsi đắc cử hồi tháng 6. Các cuộc biểu tình của phe đối lập lẫn phe ủng hộ Tổng thống Morsi diễn ra hầu như hàng ngày tại thủ đô Cairo và đã phát sinh đụng độ. Theo hãng tin Anh Reuters, tính đến nay đã có ít nhất 8 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ trên.


TTXVN/ Tin Tức