05:10 29/05/2012

Biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Ai Cập

Ngày 28/5, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố ở Ai Cập, sau khi Ủy ban bầu cử tổng thống chính thức thông báo hai ứng cử viên sẽ tranh cử vòng hai là cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq và ứng cử viên thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Morsy.

Ngày 28/5, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều thành phố ở Ai Cập, sau khi Ủy ban bầu cử tổng thống chính thức thông báo hai ứng cử viên sẽ tranh cử vòng hai là cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq và ứng cử viên thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Morsy.


Gần 1.000 người đã tham gia tuần hành tại quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairô, bên ngoài Tòa án hiến pháp tối cao Ai Cập và trụ sở Ủy ban bầu cử tổng thống tối cao. Một số người tức giận đã đốt trụ sở của ứng cử viên Saphích. Đám cháy đã được nhanh chóng dập tắt. Hiện chưa có số liệu về thương vong. Cảnh sát đã bắt giữ 8 người.

Người dân Ai Cập biểu tình phản đổi kết quả cuộc bầu cử.  Ảnh: AFP/TTXVN


 

Người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối chính quyền quân sự và tổ chức Anh em Hồi giáo, cho rằng cả hai ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu tuần qua là do sử dụng các biện pháp bất hợp pháp và mua phiếu bầu. Tham gia cuộc biểu tình này có ứng cử viên tổng thống bị loại Khaled Ali. Ông này kêu gọi các ứng cử viên khác là Hamdeen Sabbahi và Abouel Fotouh tham gia biểu tình.


Tại thành phố Alexandria, khoảng 1.000 người đã đổ xuống đường và hô khẩu hiệu ủng hộ ứng cử viên Xabahi - người về thứ ba trong vòng một - làm tổng thống. Một số người đã xé áp phích tranh cử của ông Shafiq. Nhiều cuộc biểu tình khác diễn ra tại thành phố Daqahlia phản đối ông Shafiq.


Các nhóm và phong trào chính trị chủ trương tiến hành biểu tình gồm Liên minh thanh niên cách mạng, Phong trào biểu tình Kefaya, Phong trào thanh niên 6/4 và lực lượng Xã hội Cách mạng.


Trong một diễn biến liên quan, Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập dự định ngày 11/6 tới sẽ ra phán quyết về tính hợp hiến của một đạo luật cấm các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak ra tranh cử tổng thống. Đạo luật nói trên được Quốc hội do Anh em Hồi giáo chiếm đa số thông qua hồi tháng Tư vừa qua.


Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập sẽ tác động tới cựu Thủ tướng Shafiq, người sẽ tham gia tranh cử vòng hai vào ngày 16-17/6.


Ông Shafiq, một vị tướng và cựu Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập, đã được chỉ định làm Thủ tướng trong những ngày cuối cầm quyền của ông Mubarak. Ban đầu, ông bị cấm tham gia cuộc bầu cử này, nhưng cuối tháng Tư, Ủy ban Bầu cử Ai Cập đã chấp nhận kháng cáo của ông và cho phép ông ra tranh cử.

TTXVN/ Tin Tức