11:06 26/11/2014

Biểu tình lan rộng ở Mỹ

Không nằm ngoài dự đoán, từ đêm 24/11 đến sáng 25/11 (giờ Mỹ), làn sóng biểu tình phản đối chính quyền thiên vị cảnh sát đã nổ ra ở thành phố Ferguson, bang Missouri, kèm theo cả bạo lực và cướp phá, sau đó lan ra các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.

Không nằm ngoài dự đoán, từ đêm 24/11 đến sáng 25/11 (giờ Mỹ), làn sóng biểu tình phản đối chính quyền thiên vị cảnh sát đã nổ ra ở thành phố Ferguson, bang Missouri, kèm theo cả bạo lực và cướp phá, sau đó lan ra các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.

Biểu tình bạo lực bùng phát trở lại sau khi có thông báo viên cảnh sát da trắng Darren Wilson, người bắn chết thanh niên da màu Michael Brown cách đây 3 tháng ở Ferguson, không bị truy tố. Tại “điểm nóng” Ferguson, hàng trăm người đã bao vây đồn cảnh sát thành phố, ném đá và chai lọ về phía lực lượng an ninh đang nỗ lực dùng hơi cay để giải tán biểu tình. Đám đông bạo động tràn ra đường phố đốt phá xe ô tô cảnh sát và hàng chục cửa hàng kinh doanh. Ít nhất 12 tòa nhà cũng bị phóng hỏa. Lợi dụng biểu tình hỗn loạn, nhiều kẻ đã xông vào một cửa hàng bán điện thoại di động đối diện với trụ sở cảnh sát để vơ của. Các chuyến bay tới sân bay quốc tế St. Louis Lambert tối 24/11 đều không được phép hạ cánh vì lý do an toàn.

Người biểu tình đập phá xe cảnh sát ở Ferguson ngày 24/11.Ảnh: AFP/TTXVN
 

Trong khi những người biểu tình bạo lực trút cơn giận của mình bằng cách đập phá, nhiều người biểu tình hòa bình khác chỉ đứng trên vỉa hè. Đa số có tâm trạng rất chán chường, thất vọng sau phán quyết của tòa. Nhiều người nói đây là thông điệp tính mạng của người da màu ít giá trị hơn tính mạng một người da trắng. Phát biểu khi tham gia cuộc biểu tình ở St. Louis, bà Pat Bailey 60 tuổi cho biết bà đã đoán trước được quyết định của tòa án. Bà nói: “Tôi sống đủ lâu để biết rằng người Mỹ gốc Phi không được coi là con người”. Có người biểu tình còn cho hay vấn đề phân biệt chủng tộc của nước Mỹ không thay đổi từ thời Martin Luther King (thập niên 1960).

Theo cảnh sát trưởng hạt St. Louis Jon Belmar, có khoảng 150 tiếng súng nổ trên khắp đường phố Ferguson và ít nhất 29 người biểu tình đã bị bắt giữ. Dù chưa có thương vong nghiêm trọng nào nhưng tình trạng hỗn loạn đêm 24/11 và sáng sớm ngày 25/11 bị coi là “tồi tệ nhất” trong tất cả những vụ bạo động liên quan đến cái chết của Brown kể từ tháng 8. Thống đốc bang Missouri, Jay Nixon đã phải điều thêm Vệ binh Quốc gia tới hỗ trợ khôi phục trật tự ở Ferguson.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn khác như New York, Los Angeles, Chicago... đám đông người biểu tình từ hàng chục đến hàng trăm người đã tụ tập phản đối quyết định của tòa án bằng cách mang theo biểu ngữ “Công bằng cho Michael Brown”.

Bên ngoài Nhà Trắng tại Washington, một đám đông mang theo biểu ngữ đòi chính phủ “Ngừng hành động khủng bố của cảnh sát phân biệt chủng tộc”. Trước tình hình căng thẳng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xuất hiện trên truyền hình kêu gọi người dân bình tĩnh và nhắc lại quan điểm của gia đình Michael Brown: Bố mẹ Michael Brown là người mất mát nhiều hơn ai cả. Chúng ta nên tôn trọng nguyện vọng của họ. Gia đình Michael Brown rất thất vọng và đau đớn trước thông tin trên, song họ không muốn bạo lực xảy ra.

Ngày 24/11, ủy viên công tố hạt St. Louis, ông Robert McCulloch, cho biết bồi thẩm đoàn (gồm 9 công dân da trắng và 3 công dân da màu) đã kết luận rằng cảnh sát Darren Wilson đã hành động tự vệ hợp pháp sau khi vướng vào một cuộc cãi lộn với Michael Brown và bắn tới 12 phát đạn khiến Brown tử vong. Wilson khai rằng Brown đã nhoài người vào xe để tấn công rồi chộp lấy súng của anh.

Trước đó ba tháng, từ ngày 9 đến 19/8, Ferguson đã chìm trong biểu tình và bạo động, sau khi người dân cho rằng Michael Brown, một thanh niên da màu 18 tuổi, đã bị bắn chết trong tình trạng không có vũ khí và đã giơ tay xin hàng.

Dương Trang