04:19 09/04/2015

Biến phế phẩm thực vật thành xăng

Các nhà khoa học Mỹ vừa tạo được đột phá trong công nghệ biến phế thải thực vật thành nhiên liệu hydrogen sạch, với khả năng biến đổi 100% lượng đường có trong thân cây, lõi và vỏ bắp ngô thành khí hydrogen mà không làm tăng lượng khí CO2 thải vào khí quyển.

Các nhà khoa học Mỹ vừa tạo được đột phá trong công nghệ biến phế thải thực vật thành nhiên liệu hydrogen sạch, với khả năng biến đổi 100% lượng đường có trong thân cây, lõi và vỏ bắp ngô thành khí hydrogen mà không làm tăng lượng khí CO2 thải vào khí quyển.

Các nhà khoa học đã trộn sinh khối thô với dung dịch lỏng chứa một hỗn hợp 10 enzymes. Tiến trình này biến hai loại đường thực vật xylose và glucose thành hydrogen và CO2. Nếu như trước đây người ta chỉ có thể biến đổi được từ 30% đến 60% lượng đường có trong cây ngô thành hydrogen bằng cách sử dụng vi khuẩn lên men hoặc là các chất xúc tác công nghiệp, thì công nghệ mới cho phép biến đổi 100% lượng đường trong cây thành khí hydrogen.



Sản xuất khí hydrogen nguyên chất từ phế thải mùa vụ nông nghiệp và sinh khối được xem như một trong những mục tiêu quan trọng của nền kinh tế "xanh". Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp hiện hành đều ít hiệu quả, tốn kém và gây tranh cãi bởi cách thức phân phối khí hydrogen sau khi được sản xuất.

Ưu điểm của công nghệ mới là tất cả các sản phẩm mà tiến trình này tạo ra đều là khí, do đó chúng có thể được phân tách và thu gom dễ dàng từ chất nền sinh khối. Bên cạnh đó, tiến trình này không phát sinh thêm carbon và tỉ lệ phản ứng sinh học tăng tới 17 lần so với công nghệ cũ nên có hiệu quả về mặt kinh tế.
Nếu được đầu tư nghiên cứu thêm thì trong vòng 3 đến 5 năm nữa, có thể xây dựng lò phản ứng giống như một trạm khí với công suất 200 kg nhiên liệu hydrogen mỗi ngày. Lượng nhiên liệu này đủ cung cấp cho 40 đến 50 xe hơi.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)