Phát triển bền vững vịnh Hạ Long - Bài cuối: Xây dựng các tour du lịch có trách nhiệm

Việc phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường trên vịnh Hạ Long là hết sức cần thiết.

Du khách bơi thuyền Kayak trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Tiến Dũng/TTXVN

Phát triển du lịch bền vững yêu cầu phải được cụ thể hóa bằng những hành động đúng đắn, cụ thể. Chuyện về người dân làng chài Vung Viêng thực hiện bảo vệ môi trường biển một cách chủ động, là mô hình có thể nhân rộng đến các làng chài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như các làng chài khác ở các tỉnh, thành phố có biển ở nước ta.

Những ngày đầu tháng 6, đúng thời điểm nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ kỷ lục (41,5 độ C) đang bao trùm miền Bắc, song các tàu, thuyền trở khách du lịch vẫn tấp nập tìm đến làng chài Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long.

Theo nhận xét của ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Chài, với mong muốn xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới trên vịnh Hạ Long, đồng thời tạo việc làm ổn định cho ngư dân làng chài, những người có tâm huyết đã bắt tay vào thành lập Hợp tác xã từ năm 2008.

Trong đó, sản phẩm du lịch chính là chèo thuyền (60 thuyền nan, 115 thuyền kayak và 5 thuyền rồng). Qua đó, đã tạo việc làm cho 115 lao động, chủ yếu là người dân làng chài Vung Viêng, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Dẫn chúng tôi đi thăm làng chài, ông Phiến kể cho chúng tôi biết, ngày đầu thành lập, Hợp tác xã đã may mắn nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của một du khách người Đức về việc xây dựng các tour du lịch có trách nhiệm.

Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức tour du lịch có trách nhiệm, chủ yếu là cho du khách nước ngoài. Với hình thức tổ chức nhằm kết nối để du khách tự nguyện giúp đỡ, hỗ trợ bằng cách ủng hộ sách vở, bút, quần áo, dụng cụ lao động hay dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh giấy cho người dân và học sinh ở làng chài.

Để đáp lại tấm lòng mà các du khách mang đến, người dân làng chài sẽ mời họ ở lại ăn cơm, đi đánh cá và vui chơi ở làng chài. Những tour du lịch này ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia của du khách. Từ năm 2008-2013, Hợp tác xã đã tổ chức, kết nối được rất nhiều tour du lịch có trách nhiệm ở Vung Viêng, qua đó hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho người dân làng chài.

Du lịch có trách nhiệm còn được Hợp tác xã thực hiện thông qua việc duy trì thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng. Du khách đến làng chài ngày càng tăng, với khoảng 15.000 lượt khách/tháng, tháng cao điểm lên tới 21.000 lượt khách ít nhiều tạo lên áp lực môi trường.

Hợp tác xã bố trí 2 lao động có trách nhiệm dọn vệ sinh, vớt rác và 60 thuyền nan chở khách đều được trang bị vợt vớt rác. Khi chèo thuyền chở khách, nhân viên chèo đò có thể kết hợp vớt rác, giảm tải công việc cho các nhân viên vệ sinh. Bên cạnh đó, người dân trực tiếp tuyên truyền cho du khách đảm bảo quy định bảo vệ môi trường làng chài.


Trên những chiếc thuyền nan, du khách được ngắm nhìn làng chài Vung Viêng sạch đẹp, yên bình. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, Hợp tác xã Vạn Chài đã đầu tư xây dựng Khu thực hành, lấy một số nhà bè của người dân để lại và lắp đặt thêm bè chắc chắn để đi lại.

Tại đây, du khách được ngắm nhìn những hình ảnh sinh hoạt, sản xuất và các ngư cụ sản xuất, lớp học, nhà bè sinh hoạt của người dân, khu nuôi trồng thủy sản... để hình dung lại cuộc sống trước đây của làng chài. Hợp tác xã đã trích lại 5.000 đồng/du khách từ phí dịch vụ thu được để đầu tư tu bổ khu thực hành. Đây chính là mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm mà Hợp tác xã duy trì.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công khẳng định: Trên cơ sở tiếp nhận các tài liệu kỹ thuật về thực hiện du lịch có trách nhiệm của Dự án Liên minh Hạ Long – Cát Bà, sau 3 năm thí điểm mô hình kết quả mà Dự án đã đạt được đã tạo điều kiện sinh sống thuận lợi cho người dân, vừa tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Nguyên tắc này chỉ được áp dụng thành công nếu mọi thành phần tham gia vào du lịch (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách) có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Phát triển bền vững vịnh Hạ Long - Bài 1: Làng chài Vung Viêng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường biển
Phát triển bền vững vịnh Hạ Long - Bài 1: Làng chài Vung Viêng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường biển

Mô hình thí điểm “Nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường trên vịnh Hạ Long”, được triển khai từ giữa năm 2016 trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà (2014-2017): Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng”, do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng và các đối tác thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN