Indonesia không thừa nhận "đường 9 đoạn" của Trung Quốc

Tại hội thảo, Công sứ Indonesia tại Ấn Độ Dalton Sembiring tuyên bố Indonesia không thừa nhận tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc và cho rằng những tuyên bố này là không có giá trị về mặt pháp lý, đi ngược lại UNCLOS.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành phát biểu tại hội thảo.

Tối 1/12, tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (IIC) đã diễn ra cuộc hội thảo “Biển Đông: Thuyết trình chiến lược, luật pháp quốc tế và khía cạnh kinh tế”. Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hội thảo này do Nhóm làm việc về những chiến lược thay thế (WGAS) tổ chức.

Tham dự cuộc hội thảo có nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược nổi tiếng và giới truyền thông Ấn Độ, đại diện Đại sứ quán một số nước như Indonesia, Nhật Bản... Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà nghiên cứu Suhas Broker của WGAS đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở Biển Đông, trong đó đề cập đến khía cạnh luật pháp quốc tế, tầm quan trọng về chiến lược, kinh tế của khu vực này cũng như những căng thẳng liên quan đến các hoạt động xây dựng đảo và quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) là một bước ngoặt hình thành nên bối cảnh pháp lý mới ở Biển Đông. Phán quyết này đã bác bỏ tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc khi bao phủ hơn 90% diện tích Biển Đông và vi phạm các vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các nước có biển ở Biển Đông. Đại sứ nhấn mạnh phán quyết của PCA đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để giúp làm giảm những tranh chấp ở Biển Đông xuống quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết Việt Nam là nước nằm ở Biển Đông và là nước tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời khẳng định Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền phán quyết đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình và yêu cầu các nước khác phải tôn trọng vùng đặc quyền này theo UNCLOS. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tôn trọng quyền của các nước khác theo UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở. Liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại sứ nhấn mạnh lập trường của Việt Nam là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại sứ Tôn Sinh Thành tiếp tục nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với những tranh chấp ở Biển Đông là các bên liên quan nên giải quyết những tranh chấp này bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đồng thời cho rằng điều tối quan trọng là các bên liên quan phải thể hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương và quân sự hóa để giải quyết những tranh chấp này. Và trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài mà tất cả các bên có thể chấp nhận được, các bên nên nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tránh làm phức tạp thêm tình hình. Đại sứ cho biết Việt Nam hối thúc Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các nước có những đóng góp xây dựng theo luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp về biển và đại dương.

Quang cảnh hội thảo.

Bài phát biểu của Đại sứ Tôn Sinh Thành đã được các học giả và những người tham gia hội thảo đánh giá cao khi nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông cũng như thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tại hội thảo, Công sứ Indonesia tại Ấn Độ Dalton Sembiring tuyên bố Indonesia không thừa nhận tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc và cho rằng những tuyên bố này là không có giá trị về mặt pháp lý, đi ngược lại UNCLOS, hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc là đi ngược lại UNCLOS 1982, nhất là quy định bảo vệ môi trường biển. Indonesia ủng hộ giải pháp hòa bình và kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Ông Sembiring cũng nêu rõ lập trường của Indonesia đối với phán quyết của PCA là Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng cũng như bảo vệ khu vực Đông Nam Á trước bất kỳ hành động quân sự nào có thể đe dọa tới hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đồng thời khuyến khích tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tiếp tục các giải pháp hòa bình đối với các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, tham tán chính trị Đại sứ quán Nhật Bản, ông Hideki Asari nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông về mặt chiến lược và kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở. Ông Asari khẳng định tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng Trung Quốc bị ràng buộc bởi phán quyết của PCA vì là một bên tham gia UNCLOS. Ông nêu rõ Biển Đông phải được đảm bảo hòa bình và ổn định cho tất cả mọi người.

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Srikanth Kondapalli, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học JNU của Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phán quyết PCA, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc thực thi phán quyết của PCA khi Trung Quốc vẫn tăng cường hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Ông cho rằng các nước ở khu vực Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Việt Nam và Singapore cần tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực.

Tại hội thảo, hơn 10 tham luận, phát biểu của các học giả, nhà nghiên cứu chính trị chiến lược của Ấn Độ cũng tập trung phân tích, đánh giá về diễn biến tình hình Biển Đông và những tác động, ảnh hưởng đối với khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Biển Đông và cho rằng cho rằng phán quyết của PCA mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đa số học giả tham dự hội thảo đều nhất trí các bên liên quan cần tuân thủ và tôn trọng triệt để phán quyết của PCA, đồng thời tăng cường hợp tác để thúc đầy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Tin, ảnh: Huy Bình – Đăng Chính (P/V TTXVN tại New Delhi)
Lợi ích dài hạn: Kim chỉ nam hành động trên Biển Đông
Lợi ích dài hạn: Kim chỉ nam hành động trên Biển Đông

Trong bối cảnh Biển Đông và một số vùng biển khác ở châu Á đang xảy ra tranh chấp, các quốc gia cần lấy lợi ích dài hạn làm kim chỉ nam hành động để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN