Mong làm được nhiều hơn nữa cho học trò nghèo miền biển

Luôn nặng lòng với học trò nghèo xứ biển, nhiều sáng kiến của thầy Nguyễn Minh Trí xuất phát từ việc phải tìm cách khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện để các em được cắp sách đến trường.

Gắn bó với miền biển Trà Vinh 13 năm cũng là ngần ấy thời gian thầy giáo Nguyễn Minh Trí, Trường THCS Long Khánh, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) luôn hết lòng với học trò nghèo. 

Cách nghĩ, cách làm của thầy Nguyễn Minh Trí được nhiều đồng nghiệp ủng hộ và tin yêu, học trò quý mến. Vừa qua, thầy Trí vinh dự được chọn là một trong hai đại diện của tỉnh Trà Vinh tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội.

Thầy Trí sinh năm 1982, trong một gia đình nghèo ở xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mẹ thầy là cô giáo tiểu học ở địa phương, vì hoàn cảnh khó khăn nên phải dở dang nghề giáo cùng chồng bươn chải cuộc sống để nuôi 3 con ăn học nên người. Nuôi ước mơ nghề giáo từ nhỏ và cũng muốn hoàn thành ước nguyện của mẹ nên tốt nghiệp phổ thông thầy Trí thi vào ngành sư phạm.

Thầy giáo Nguyễn Minh Trí trong giờ lên lớp.

Năm 2004, tốt nghiệp đại học, thầy Trí được phân công về dạy môn Địa lý, kiêm nhiệm là Tổng phụ trách Đội tại trường THCS Long Khánh (nay là trường THCS Long Thành, thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải). Sau khi xã Long Khánh được chia tách địa giới hành chính thành thị trấn Long Thành và xã Long Khánh, năm học 2015-2016, thầy về công tác tại Trường THCS Long Khánh cho đến nay.

13 năm vừa giảng dạy môn Địa lý, vừa kiêm nhiệm chức danh Tổng phụ trách Đội, thầy giáo Nguyễn Minh Trí có rất nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn và các phong trào Đội của trường. Luôn nặng lòng với học trò nghèo xứ biển nên nhiều sáng kiến của thầy xuất phát từ việc phải tìm cách khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện để các em được cắp sách đến trường như các bạn đồng trang lứa. Nhiều chương trình có sức lan tỏa rất tích cực trong nhà trường, ngoài việc hỗ trợ học sinh nghèo, các chương trình do thầy Trí đề xuất còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống tốt, học tập và làm theo gương Bác. Đặc biệt, các em biết yêu thương hơn, sẵn sàng san sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Long Khánh trở thành xã đảo (vừa được công nhận vào giữa năm 2016) khi công trình quốc gia luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu được triển khai trên địa bàn. Là xã biển vùng sâu của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, những năm trước đây, tỷ lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học giữa chừng rất cao. Trước cảnh mùa mưa, đường lầy lội, nhiều em không có phương tiện đến trường nên phải nghỉ học, thầy Trí đã nghĩ ra chương trình “Xe đạp giúp bạn đến trường”. Chỉ với đóng góp 500 đồng/tuần/học sinh được tiết kiệm từ tiền quà sáng, cùng với sự vận động các nhà hảo tâm, trong năm 2014-2015, nhà trường đã trao tặng 14 chiếc xe đạp cho 14 học sinh nghèo, mỗi chiếc trị giá 1,2 triệu đồng.

“Vui nhất là phong trào đã nhận được sự đồng tình của tất cả đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Học sinh nghèo được tiếp thêm động lực để phấn đấu hơn trong học tập. Các em khác thì rèn luyện được tính tiết kiệm, tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách. Đây là phần thưởng lớn mà tôi nhận được từ chương trình này”, thầy Trí bộc bạch.

Từ năm 2014 đến nay, thầy đã tham mưu Ban Giám hiệu tổ chức các đêm văn nghệ gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, qua đó đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 90 triệu đồng. Nhờ số tiền này, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tập, sách… đến trường. Chương trình “Phát thanh măng non” cũng là một trong những sáng kiến thầy Trí tâm đắc. 

Chương trình được phát định kỳ trên loa phát thanh của nhà trường vào 2 buổi sáng, chiều của ngày thứ 4 hàng tuần, chuyển tải đến các em những thông tin nổi bật trong trường, gương người tốt việc tốt, tấm gương đạo đức của Bác, để các em học tập và làm theo. Nhằm tăng thêm sự hấp dẫn đối với các em, thầy Trí đã mày mò cách thu âm, lồng nhạc... Chương trình “Phát thanh măng non” đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duyên Hải nhân rộng tại các trường học trên địa bàn. “Thành công của phong trào là giúp học sinh hình thành nhân cách sống đúng đắn, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội”, thầy Trí phấn khởi cho biết.

Theo thầy Cao Ngọc Phụng, Tổ trưởng Tổ Xã hội - Trường THCS Long Khánh, thầy Trí rất hòa đồng, luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Đặc biệt, thầy Trí có tinh thần tự học rất cao, nhất là ở lĩnh vực công nghệ thông tin; thầy thường xuyên tìm tòi để cập nhật kiến thức, rồi hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp khác. Trong công tác chuyên môn, thầy Trí cũng rất nhiệt huyết. Hiểu rõ học sinh thường xem nhẹ các môn học phụ nên thầy Trí suy nghĩ phải làm sao để không gây nhàm chán, giúp các em hứng thú học môn Địa lý. Bằng những dụng cụ đơn giản như giấy rô ki, đề can, mút xốp… thầy đã sáng tạo ra nhiều đồ dùng học tập. Các mô hình biểu đồ hình cột, hình tròn, tháp dân số, bảng biểu… do thầy làm đã giúp học sinh trong trường yêu thích môn Địa lý hơn.

Năm học 2012-2013, Game show “Em yêu biển đảo Việt Nam” do thầy Trí thực hiện được tham gia hội giảng cấp tỉnh môn Địa lý, được Tổ bộ môn Địa lý của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đánh giá rất cao. Dựa trên tinh thần vừa chơi vừa học, thông qua Game show, học sinh hiểu rõ hơn về biển Trà Vinh và cách bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Trực tiếp quản lý hơn 4 năm tại 2 ngôi trường, cô giáo Sơn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng Trường THCS Long Khánh nhận xét, thầy Trí là người rất năng nổ, nhiệt tình. Dù ở vai trò nào thầy Trí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Trong 13 năm công tác, có đến 10 năm thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thầy Trí còn vinh dự được nhận kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Được chọn là một trong 2 đại diện của tỉnh Trà Vinh tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, chuyến đi đã mang đến cho thầy Trí rất nhiều cảm xúc. “Nghe đồng nghiệp ở các trường học nơi đảo xa chia sẻ những khó khăn phải đối mặt hàng ngày… mới thấy những đóng góp của mình nhỏ bé lắm. So với những hy sinh của đồng nghiệp, tôi thấy rất may mắn khi việc mình nghĩ, mình làm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và cả chính quyền địa phương ủng hộ, hỗ trợ thực hiện. Hành trình ấy còn luôn nhận được sự động viên, khích lệ của người vợ hiền nơi quê hương Long Khánh. Trường THCS Long Khánh có gần 300 học sinh, trong đó có 68 em là học trò nghèo, công việc mình muốn làm và cần làm cho học trò nghèo xứ biển nơi đây còn nhiều lắm”, thầy Trí chia sẻ.

Thanh Hòa (TTXVN)
Thầy giáo xung phong ra Côn Đảo "trồng người"
Thầy giáo xung phong ra Côn Đảo "trồng người"

Ở trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ai cũng khen thầy Phan Bá Hường là một giáo viên giỏi, nhiệt tình, hăng say trong công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN